Ngày 2-12, Chủ tịch Hạ viện Brazil Eduardo Cunha đã đồng ý thông qua yêu cầu của luật sư và 4 đảng đối lập đưa ra xét xử trách nhiệm chính trị của Tổng thống Dilma Rousseff liên quan tới kết quả kiểm toán chi tiêu năm 2014.
Hiến pháp Brazil quy định một tổng thống có thể bị cách chức khi bị chứng minh có hành động vô trách nhiệm trong điều hành đất nước.
Theo quy trình, một ủy ban đặc biệt bao gồm các nghị sĩ của Hạ viện thuộc tất cả các đảng trong thành phần Quốc hội sẽ được thành lập và có 15 ngày để xem xét yêu cầu trên. Nếu ủy ban này thông qua, yêu cầu xét xử bà Rousseff sẽ được bỏ phiếu trước toàn bộ Hạ viện và được phê chuẩn nếu nhận được sự ủng hộ 2/3 nghị sĩ, tức 342/513 nghị sĩ, tại Hạ viện.
Bà Rousseff sau đó sẽ buộc tạm rời ghế tổng thống trong 180 ngày để Thượng viện xem xét vụ việc. Trong trường hợp yêu cầu trên được thông qua tại Thượng viện, Tổng thống Rousseff sẽ phải từ chức.
Bà Dilma Rousseff
Ngay lập tức, Tổng thống Rousseff đã bác bỏ quyết định của Chủ tịch Hạ viện Cunha và cho rằng đây là lời buộc tội không phù hợp và không công bằng. Bà kêu gọi sự thận trọng và bình tĩnh, đồng thời bày tỏ hy vọng yêu cầu xét xử bà sẽ bị hủy bỏ khi các cáo buộc được chứng minh là không đúng sự thật.
Chủ tịch đảng Lao động (PT) cầm quyền Rui Falcoa tố cáo việc đồng ý xét xử bà Rousseff là hành động “đảo chính” và khẳng định sẽ không bao giờ để điều này xảy ra.
Quyết định trên của Chủ tịch Hạ viện Cunha được đưa ra vài ngày sau khi bà Rousseff hủy chuyến công du hai nước châu Á gồm Nhật và Việt Nam vào đầu tháng 12 vì đất nước gặp khó khăn về tài chính.
Vào thời điểm này, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Rousseff đang ở mức thấp khi chỉ có 10% số người được hỏi đánh giá hoạt động của Chính phủ Brazil là tốt hoặc rất tốt. Kinh tế giảm sút kèm theo vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras bị phanh phui từ tháng 3-2014 đã phủ bóng đen lên nhiệm kỳ thứ hai của bà và tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển về lâu dài của Brazil. Nền kinh tế Brazil tiếp tục lún sâu vào suy thoái khi ghi nhận mức tăng trưởng âm 4,5% trong quý III vừa qua. Hiện nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như mức tiêu dùng sụt giảm, lạm phát tăng lên mức gần 10%, đồng nội tệ real ngày càng mất giá so với đồng USD và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã “đánh tụt” thứ hạng tín nhiệm của Brazil xuống mức rủi ro.
CHI HẠNH