Cuộc chiến giảm thuế thu nhập cho người lao động của Mỹ đã kết thúc bằng một thỏa thuận giữa lãnh đạo đảng Cộng hòa và Dân chủ, sau thời gian tranh cãi kéo dài gần 20 ngày. Thỏa thuận này đã làm chính phủ của Tổng thống Obama thở phào nhẹ nhõm và được xem là một thắng lợi nữa của nhà lãnh đạo Mỹ khi thuyết phục được sự đồng thuận giữa hai đảng từng có nhiều trận chiến nảy lửa về các dự luật.
Giải cứu 160 triệu người lao động
Hãng AFP đưa tin, theo thỏa thuận mới, Quốc hội Mỹ đồng ý tạm thời kéo dài thêm 2 tháng việc giảm thuế thu nhập cho khoảng 160 triệu người lao động. Nếu không thể thông qua dự luật gia hạn việc giảm thuế, các công nhân thu nhập trung bình có thể mất khoảng 40 USD cho mỗi lần nhận lương, hay khoảng 1.000 USD/năm nếu chương trình cắt giảm thuế hết hạn.
Thỏa thuận mới giữa hai đảng cũng làm 2 triệu người dân thoát khỏi nỗi lo mất trợ cấp thất nghiệp khi kết thúc năm 2011. Thỏa thuận này đã được bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội trong ngày 23-12.
Dự luật giảm thuế thu nhập Mỹ đã trở thành một trong những đề tài gây nhiều tranh cãi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa từ những ngày đầu của tháng 12. Một trong những nhượng bộ để đi tới thỏa hiệp này là các nghị sĩ lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đồng ý chấp nhận sẽ tiến hành thương lượng về việc kéo dài thời hạn giảm thuế thu nhập cho tới hết năm 2012.
Trước đó, đảng Cộng hòa kiên quyết đòi Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát phải đồng thời ngay lập tức thương lượng về việc kéo dài thời hạn giảm thuế hết cả năm 2012, chứ không dừng ở mức 2 tháng. Trong khi đó quan điểm của Nhà Trắng và phe Dân chủ tại Thượng viện là sẽ chỉ thương thuyết về việc kéo dài thời hạn thêm một năm sau khi đã tạm thời gia hạn 60 ngày.
Tổng thống Obama tuyên bố, sự đồng lòng của hai đảng đã phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều công ăn việc làm trong năm 2012. Nhiều nhà kinh tế từng cảnh báo rằng việc để hai chương trình giảm thuế và trợ cấp thất nghiệp hết hạn có thể gây hại cho nền kinh tế Mỹ đang nỗ lực hồi phục từ suy thoái.
Sụt giảm niềm tin với Quốc hội
Chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ viện và 33 trong tổng số 100 ghế Thượng viện, thế nhưng đại bộ phận cử tri Mỹ ở thời điểm hiện tại đang rất thất vọng với Quốc hội.
Tổ chức chuyên thăm dò dư luận Gallup Poll công bố kết quả phỏng vấn 903 người Mỹ trong thời gian từ 28-11 đến 1-12, cho thấy có tới 76% người Mỹ cho rằng hầu hết các nghị sĩ đương nhiệm không xứng đáng được bầu lại. Đây là tỷ lệ thất vọng cao nhất của cử tri đối với các nghị sĩ Mỹ trong vòng 19 năm qua.
Tổng biên tập trang mạng Gallup.com dự báo, nếu tâm lý thất vọng hiện nay của cử tri vẫn giữ cho tới ngày bầu cử thì nhiều khả năng quyền kiểm soát đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử tới sẽ chuyển từ phe Cộng hòa sang tay đảng Dân chủ.
Trước đó, báo Washington Post cho biết, đại bộ phận cử tri nhìn nhận 2011 là năm hoạt động không mấy thành công của Quốc hội Mỹ, cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Một nguyên nhân khiến Quốc hội Mỹ trong năm 2011 hoạt động kém hiệu quả là do họ tốn quá nhiều thời gian vào các cuộc cãi vã lẫn nhau giữa hai đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện và Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện.
Theo thống kê, đến hết tháng 11, Hạ viện Mỹ mới thông qua được 326 dự luật, bằng 1/3 so với 970 dự luật được thông qua trong năm 2009 và chưa bằng 1/4 so với tổng số 1.127 dự luật được thông qua trong cả năm 2007. Trong cả năm 2011, Thượng viện Mỹ chỉ thông qua được 368 dự luật. Đây là số lượng thấp nhất các dự luật được Thượng viện thông qua trong một năm kể từ năm 1995.
Thanh Hằng