Sáng 25-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Đã từng được thảo luận tại kỳ họp trước, qua nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến nhưng quan điểm ân hạn thuế, bảo lãnh của tổ chức tín dụng với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục là điểm nóng trong phiên thảo luận.
Doanh nghiệp làm ăn tốt bị... vạ lây
Theo dự thảo, hàng hóa xuất, nhập khẩu, phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng; hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất, phải nộp tiền thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh, phải nộp tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có) trước ngày hết thời hạn bảo lãnh ghi trên thư bảo lãnh. Nghĩa là doanh nghiệp phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng hóa. Còn nếu muốn được ân hạn thời gian nộp thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
Theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), việc sửa lần này tuy sẽ giúp ngăn ngừa doanh nghiệp lợi dụng chính sách ân hạn để bỏ trốn, chây ỳ nộp thuế, song quy định này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khuyến khích xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế giảm sút, doanh nghiệp sẽ khó càng khó hơn. Do đó, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu cẩn trọng sự thay đổi này.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết việc thay đổi này nhằm ngăn ngừa doanh nghiệp chây ỳ trong nộp thuế nhưng đây chỉ là số ít. Do đó, việc bịt những lỗ hổng này là cần thiết nhưng nguyên tắc của luật phải hướng theo số đông chứ không vì thiểu số làm khó số đông. Thậm chí một số nước họ chấp nhận thất thu ở một số ít doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho số đông doanh nghiệp làm ăn tốt. Nếu thay đổi các ngành nhập khẩu, chế biến sản xuất, xuất khẩu sẽ bị đẩy thêm chi phí 1,5%. Do vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc và chưa nên thay đổi. Đồng thời tăng cường xử lý những doanh nghiệp lợi dụng, chây ỳ kéo dài nộp thuế.
Nhất trí với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc và xem xét có nên sửa quy định hiện nay. Với quy định đang đi vào cuộc sống thì chưa cần thiết sửa đổi, bổ sung. Còn với doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc cần có biện pháp tăng cường quản lý còn vẫn đồng thời phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Năm 2012, hoạt động xuất nhập khẩu dù có tăng trưởng nhưng bước vào năm 2013 diễn biến sẽ khó khăn phức tạp, mục tiêu tốc độ tăng xuất khẩu năm 2013 (khoảng 10% so với thực hiện năm 2012) khó khăn. Do vậy, ban soạn thảo và Quốc hội chưa nên thay đổi.
Ân hạn phải có bảo lãnh
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, quy định nộp thuế ngay hoặc ân hạn phải có bảo lãnh sẽ chống tình trạng chây ỳ nộp thuế. Quy định này sẽ nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thuế chống thất thu, chiếm dụng thuế ngân sách, nâng cao trách nhiệm người nộp thuế; ngăn doanh nghiệp ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; bình đẳng các loại hình doanh nghiệp khuyến khích sản xuất hàng trong nước; phù hợp thông lệ quốc tế vì nhiều nước đều không cho nợ thuế… Phí bảo lãnh khoảng 0,05%/tháng và 0,29%/tháng với doanh nghiệp có và không có tài sản đảm bảo sẽ không ảnh hưởng nhiều đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Giải trình thêm về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết hiện số nợ thuế xuất nhập khẩu quá hạn lên tới gần 1.500 tỷ đồng, trong đó số không có khả năng thu hồi khoảng 500 tỷ đồng nằm ở những doanh nghiệp bỏ trốn. Theo thông lệ quốc tế, nghĩa vụ thuế là tức thời, cá biệt có nước cho ân hạn nhưng phải có bảo lãnh như Anh hoặc ít nhất tài khoản trên cơ quan hải quan như New Zealand.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết sẽ xem xét, tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc theo hướng tạo thuận lợi sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, đồng thời tăng cường hiệu lực trong chấp hành pháp luật về thuế.
NGỌC QUANG
| |