(SGGPO).- Sáng nay, 14-6, Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66/2006/QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên điều hành phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), cho rằng định nghĩa về cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau như trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi là chưa chặt chẽ. Khi bàn về các nhà máy bauxit ở Tây Nguyên các ý kiến đã rất khác nhau về “cụm công trình” hay “các công trình riêng rẽ”. Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, tiêu chí về quy mô vốn của dự án, công trình thuộc diện phải trình QH xem xét nên tính theo tỷ lệ % so với GDP hoặc ngân sách để đỡ phải điều chỉnh khi trượt giá. Khi cần bổ sung vốn cũng nên tính theo tỷ lệ % tăng thêm so với số đã duyệt.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) có quan điểm tương tự và đề xuất cụ thể: “Nên tính theo % ngân sách nhà nước. Công trình có quy mô vốn khoảng 2% GDP, trong đó phần vốn của nhà nước chiếm khoảng 2% ngân sách thì phải trình Quốc hội”. Ông Khải cho rằng, cần có sự phân biệt giữa 2 loại nghị quyết: về chủ trương đầu tư (đối với dự án lớn, dài hạn, chưa đủ thông số, chưa có báo cáo khả thi thì quyết định chủ trương, sau khi có chủ trương mới làm tiếp để thu thập tiếp các thông số cụ thể) và nghị quyết về dự án, công trình (khi đã có thông số cụ thể).
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã cung cấp thêm thông tin cho biết nghị viện các nước thường chỉ quyết định về dự án, công trình quan trọng quốc gia căn cứ vào báo cáo khả thi.
Chia sẻ quan tâm về vấn đề này, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) băn khoăn: “Tôi đề nghị quy trình xem xét “chủ trương đầu tư” theo hướng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định danh mục đầu tư, rồi mới cho phép lập Báo cáo tiền khả thi để Quốc hội xem xét phê duyệt. Vì làm báo cáo tiền khả thi có khi đã tốn hàng trăm nghìn đô rồi, coi như đã bước một chân vào dự án rồi, chân kia có bước tiếp vào không? Cho nên, phải có cơ sở rất cụ thể mới quyết được, nếu không sẽ là “chính xác trên cơ sở một loạt sự không chính xác”.
Có quan điểm hơi khác về tiêu chí quy mô vốn của dự án phải trình trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) phân tích: “Tiêu chí về vốn mà tính theo GDP thì mỗi năm một khác. Thấy trượt giá lớn, không còn phù hợp thì sửa Nghị quyết, không phải quá khó khăn. Tôi đề nghị tính theo con số tuyệt đối”. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình): quy định theo số tuyệt đối giúp Quốc hội kiểm soát, giám sát việc đầu tư dự án dễ dàng hơn.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng về các dự án đầu tư ra nước ngoài. “Tôi đề nghị không “nới rộng” các điều kiện kiểm soát đầu tư ra nước ngoài mà giữ như Nghị quyết 66. Một công ty đầu tư ra nước ngoài thì trách nhiệm của họ là có giới hạn, nhưng khi Chính phủ một nước đầu tư ra nước ngoài thì trách nhiệm có thể trở thành vô hạn. Vụ dầu tràn của hãng BP đang khiến hãng này có nguy cơ phá sản. Thử hình dung ta đầu tư ra nước ngoài và khi gặp sự cố thì tài khoản của quốc gia có thể bị phong tỏa”, đại biểu Xuân nhấn mạnh.
Cẩn trọng với các dự án chuyển đổi đất rừng, kể cả rừng phòng hộ lẫn rừng đặc dụng cũng là khuyến cáo của đại biểu Nguyễn Đình Xuân, ông nói: “Nghị quyết 66 có một chỗ hở về việc chuyển rừng đặc dụng, phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất, nay chưa “bịt” lại “mở” thêm ra, trong khi trận tuyến giữ rừng vẫn đang diễn ra rất ác liệt. Đề nghị Quốc hội tiếp sức giữ rừng. Theo đó, ngay cả những dự án chuyển sang trồng cao su và cây nguyên liệu cũng không được miễn trừ mà từ 200 ha trở lên là phải trình Quốc hội xem xét”.
Phát biểu sau đó, các đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai), Ngô Minh Hồng (TPHCM) bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm này.
Đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội thì đề nghị làm rõ tiêu chí “dự án, công trình ở các địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng…” và thẳng thắn nhận xét: “Nghị quyết 66 cũng đã có nội dung này, không sai một chữ nào, nhưng vừa qua vẫn có ít nhất là hai dự án nằm ở vùng biên giới có những sai sót nghiêm trọng mà qua giám sát chúng tôi đã phát hiện ra. Một trong những nguyên nhân chính là do tiêu chí chung chung, định tính. Vì vậy, cần cụ thể hóa các tiêu chí này”.
ANH PHƯƠNG