
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng
* Lùi thời điểm thực hiện đến ngày 1-8-2008
Ngày 29-5, với 458 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 92,9%, Quốc hội đã thông qua toàn văn Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Có 4 đại biểu không tán thành, chiếm tỷ lệ 0,31% và 13 đại biểu không biểu quyết, chiếm tỷ lệ 2,64%.
- Phương án đã chọn là tối ưu
Như vậy, tới đây, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây (sau khi điều chỉnh xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây về TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý); toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình sẽ được hợp nhất với Hà Nội. TP Hà Nội mới sẽ có 334.470,02 ha diện tích tự nhiên và 6.232.940 nhân khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tờ trình tiếp thu ý kiến của Quốc hội về việc mở rộng thủ đô Hà Nội.Ảnh: TTXVN
Trước khi QH tiến hành biểu quyết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng phân tích, trong số các phương án mở rộng Hà Nội, phương án 1 hội tụ đầy đủ các ưu điểm căn bản. Thực hiện phương án, TP Hà Nội mới sẽ có được một không gian đủ lớn, một quỹ đất đủ để vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng một đô thị hiện đại, vừa có thể bảo tồn được đô thị cổ kính – niềm tự hào của dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh, phương án chọn vừa tạo cho Thủ đô một thế trận quốc phòng – an ninh vững chắc, vừa có điều kiện xây dựng các công trình lớn mà vẫn giữ được diện tích đất canh tác nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật”. Quan trọng không kém, phương án này hạn chế tối đa sự xáo trộn về hành chính, nhân sự của các địa phương có liên quan.
“Tất nhiên, Chính phủ cũng đã nhận thấy và nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện Đề án. Nếu được QH thông qua thì ngay sau khi có Nghị quyết của QH, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ những khó khăn này, sớm ổn định bộ máy chính quyền và các cơ quan chuyên môn giúp việc của TP Hà Nội mới đi vào hoạt động”, Thủ tướng khẳng định.
- Đã tính đến các giải pháp cụ thể
Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu Chính phủ đã lần lượt giải đáp các nhóm vấn đề được đề cập tới trong hàng trăm ý kiến góp ý của các ĐBQH. Ông giải thích, TP Hà Nội mới không phải là quá lớn so với nhiều thủ đô của các nước trên thế giới. Với thế tựa núi Ba Vì, hướng ra sông Hồng, Thủ đô sẽ vẫn giữ thế “rồng cuộn hổ ngồi” truyền thống.
Đối với lộ trình thực hiện, tiếp thu ý kiến ĐBQH, thời điểm thực hiện hợp nhất sẽ là 1-8-2008 (thay vì 1-7-2008 như dự kiến ban đầu) để có thêm thời gian chuẩn bị; đủ đảm bảo để chính quyền TP xây dựng được kế hoạch kinh tế xã hội và kế hoạch ngân sách, trình QH xem xét trong kỳ họp cuối năm 2008.
Về nguồn kinh phí khổng lồ để thực hiện đề án như có ĐBQH lo ngại, Thủ tướng cho biết, kinh phí để hợp nhất các cơ quan sẽ không quá lớn, không nhiều như khi chia tách vì không cần xây dựng thêm trụ sở, mua sắm ô tô hay trang thiết bị. Các khoản chi thường xuyên cũng không khó giải quyết, chỉ có nguồn vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội mới thực sự lớn, song Chính phủ đã có phương án khai thác từ nhiều nguồn khác nhau thông qua những cơ chế chính sách đã được pháp luật quy định. Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch vốn cho từng thời kỳ, từng dự án trọng điểm trình QH phê duyệt theo kế hoạch hàng năm và 5 năm. Sau khi có Nghị quyết của QH, quá trình xây dựng quy hoạch sẽ được thực hiện đúng pháp luật, công bố công khai để trưng cầu ý dân, kế hoạch sử dụng đất sẽ được tính toán cụ thể trình QH phê duyệt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã làm yên lòng các ĐBQH với lời hứa sẽ quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa và di tích văn hóa lịch sử của các địa phương khi hợp nhất với Hà Nội; đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc, đặc biệt là ở vùng xa, có nhiều khó khăn. “864 ngày nữa là đến thời khắc lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi tha thiết và trân trọng đề nghị QH thông qua Nghị quyết ngay trong kỳ họp quan trọng này để tạo điều kiện xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng tầm thủ đô của một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần làm cho Thủ đô ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ý nguyện thiêng liêng của Hồ Chủ tịch”, Thủ tướng kết luận.
Phát biểu trước khi QH tiến hành biểu quyết, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Mấy tuần gần đây, việc mở rộng địa giới Hà Nội đã được bàn thảo khá sôi nổi trong và ngoài hội trường, trên các diễn đàn, thậm chí cả trong bữa ăn của từng gia đình. Nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, với động cơ trong sáng và tình cảm chân thành sẽ giúp tiếp cận chân lý đầy đủ, từ đó quyết định chủ trương lớn trên cơ sở đồng thuận cao. Qua cọ xát, nhiều vấn đề đã được sáng tỏ. Thủ tướng đã giải trình nghiêm túc, 2 dự thảo Nghị quyết đưa ra hôm nay gần như được viết lại. Thời điểm thông qua cũng rất thận trọng”.
Chủ tịch QH nói thêm: “Đây là Nghị quyết về chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Đến bước tiếp theo là lập quy hoạch, sắp xếp bộ máy, xây dựng kế hoạch kinh tế-xã hội, QH sẽ tiếp tục cho ý kiến. QH sẽ giám sát việc công khai quy hoạch lấy ý kiến đại biểu và nhân dân”.
Hoan nghênh sự đồng thuận cao của QH về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng, với tinh thần cầu thị và nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH, Chính phủ sẽ tìm ra những giải pháp hiệu quả để thực hiện thành công đề án.
ANH THƯ
Tiếp tục thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hôm qua, nhiều ĐB cho rằng, nên quy định cụ thể trách nhiệm của các lực lượng cảnh sát trong việc xử lý vi phạm, tránh làm tùy tiện. H.My |
5 vấn đề cử tri cả nước đặc biệt quan tâm PH.THẢO |