Quốc lộ 19 (Bình Định - Gia Lai): Đường xuống cấp, trạm BOT báo lỗ

Dự án nâng cấp quốc lộ (QL) 19 nối Bình Định và Gia Lai có tổng chiều dài khoảng 55km, do Công ty TNHH BOT 36.71 làm chủ đầu tư (vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, khai thác theo hợp đồng BOT), khởi công từ năm 2012, đến tháng 6-2016 thì đưa vào khai thác. Chưa đầy 5 năm sử dụng, mặt đường đã xuống cấp, phát sinh nhiều vấn đề gây mất an toàn.
Đường QL19 nhiều vị trí hẹp, mặt đường đang xuống cấp
Đường QL19 nhiều vị trí hẹp, mặt đường đang xuống cấp

Tại điểm đầu dự án, đấu nối với QL1A (thuộc thị xã An Nhơn, Bình Định), hoạt động giao thông bát nháo, mất an toàn. Xe tải chở đất, cát, đá, hàng hóa ở các xí nghiệp, công ty, khu - cụm công nghiệp, mỏ khoáng sản hoạt động ngày đêm làm cho đoạn đường quá tải, mặt đường xuống cấp, bụi đất, đá, cát vương vãi tràn lan hai bên đường. 

Bà Ng.Th.L. (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) lo lắng nói: “Đoạn đường trước nhà tôi bụi bay mù trời khi các xe tải chạy ngang qua. Mặt đường lồi lõm, các xe tải lại chạy rất nhanh nên đã gây ra nhiều vụ va quẹt, tai nạn giao thông”. Cánh tài xế từ Bình Định lên Gia Lai còn phản ánh, nhiều vị trí mặt đường QL19 khá hẹp, đèo dốc, khúc cua nguy hiểm, nhất là đèo An Khê. Mặt đường nhiều đoạn nứt vỡ, sau khi vá trở nên lồi lõm.

Ông Đặng Phong Trung, đại diện Công ty 36.71, cho biết, vừa qua công ty đã chi hơn 10 tỷ đồng để sửa chữa đường và chuẩn bị 35,8 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa toàn tuyến. Tuy nhiên, sau 5 năm đưa vào khai thác dự án, đơn vị gặp phải nhiều khó khăn về tài chính vì lượt xe qua trạm quá ít. “Tính đến nay, đơn vị phải bù lỗ trên 107 tỷ đồng từ dự án này. Bởi vị trí đặt trạm thu phí không theo kế hoạch ban đầu, nên không khai thác hết lượt xe toàn tuyến. Ở đầu dự án thì xe chạy nhiều, nhưng về cuối dự án (nơi đặt trạm thu phí) thì xe chạy lác đác, nguồn thu không nhiều”, ông Trung nói. Công ty 36.71 đã mời gọi, tìm đối tác để chuyển giao, bán lại dự án, song không đơn vị nào mua lại. Để duy trì hoạt động, công ty đề xuất phương án tăng phí đối với các phương tiện, làn xe lưu thông qua dự án từ năm 2022.  

Tuy nhiên, bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho hay, hiện tuyến đường đang xuống cấp, nếu tiếp tục tăng phí thì người dân, cử tri sẽ không đồng tình. Còn ông Trần Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III (Bộ GTVT), cho biết, ngay từ ban đầu khi thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL19, Công ty 36.71 đã đi khảo sát, nghiên cứu để có đánh giá cụ thể, kể cả hiệu quả khai thác tài chính. Vì thế, khi đưa vào khai thác, nếu như thua lỗ, thâm nợ thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Về việc tăng phí đường bộ, theo ông Trung khó khả thi, nhất là trong thời điểm người dân gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. 

QL19 là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối miền Trung với Tây Nguyên qua Campuchia, Lào. Do vậy, Bộ GTVT, địa phương cùng chủ đầu tư cần sớm tìm giải pháp căn cơ để đảm bảo vận hành dự án hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Tin cùng chuyên mục