Dù đã có quy định cụ thể về việc chi hoa hồng cho người môi giới trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng theo phản ánh của nhiều DN, quy định này hiện nay không còn phù hợp. Minh họa rõ nhất cho sự bất cập này là qua vụ việc ở Tổng Công ty Công nghiệp in bao bì Liksin. Cơ quan chức năng của TPHCM đã chuyển hồ sơ vụ chi hoa hồng cho người môi giới và chi cho người mua hàng có dấu hiệu sai quy định pháp luật tại tổng công ty trên sang cơ quan điều tra Công an TP.
Vượt rào?
Hiện nay, Liksin áp dụng 2 hình thức: Chi hoa hồng cho người làm môi giới và hoa hồng cho người mua hàng. Liksin cũng đã ban hành quy chế “Chi hoa hồng cho người môi giới và chi phí tạo dịch vụ việc làm”. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng TP, Liksin không thực hiện đầy đủ thủ tục về việc ký hợp đồng với người làm môi giới theo quy định tại Thông tư 01 của Bộ Tài chính và Luật Thương mại năm 1997. Việc chi hoa hồng cho người mua hàng là sai quy định nhưng Liksin lại chi với tổng số tiền gần 18 tỷ đồng. Trong đó, cán bộ Phòng Makerting ký nhận thay hơn 16 tỷ đồng nhưng không xuất trình được tài liệu để chứng minh số tiền ký nhận này đã được giao cho người mua. Qua xác minh 41 trường hợp, có đến 21 trường hợp khách hàng không nhận số tiền hơn 2 tỷ đồng…
Giải trình với các cơ quan chức năng TP và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Giám đốc Liksin Lê Đăng Quang nhìn nhận trong quá trình thực hiện, Liksin có những sai sót nhất định như không ký được hợp đồng môi giới, nhiều khoản chi người nhận tiền không trực tiếp ký nhận mà nhân viên ký thay. Tuy nhiên, sau đó Liksin đã rút kinh nghiệm, chuyển hoa hồng vào tài khoản người nhận và chấm dứt việc ký nhận thay. Ông Quang khẳng định: “Chi phí hoa hồng có thể sai sót trong cách làm nhưng đúng quy định pháp luật, hoàn toàn không tư lợi, tham nhũng…
Nội dung chi phí đã được đưa lên mạng nội bộ với hơn 40 máy vi tính có thể cùng truy cập và giám sát. Trong quá trình kiểm tra xác minh, một bộ phận người nhận hoa hồng đã thừa nhận với cơ quan điều tra về số tiền này; số khác khai số tiền không khớp hoặc không nhớ rõ số tiền đã nhận; một số khác thì không thừa nhận vì sợ ảnh hưởng đến công việc… Trong đợt xác minh của Thanh tra TP, 30/41 người (chiếm 75,6% đối tượng được thẩm tra) thừa nhận có nhận tiền và số tiền họ công khai thừa nhận chiếm 73% tổng số tiền được xác minh. Ngoài ra, còn một số người không nhìn nhận nhưng có chứng cứ họ đã nhận”…
Phân tích về vụ việc của Liksin, một luật sư của Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng nếu chiếu theo những quy định hiện nay trong chi phí cho người môi giới thì Liksin có thể rơi vào trường hợp “tình ngay lý gian” bởi những thủ tục hiện nay đã quá lỗi thời.
Bó tay với quy định cũ
Trao đổi với chúng tôi, luật gia Vũ Xuân Tiền, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý và đào tạo Vfam Việt Nam cho rằng: Quy định về hoa hồng môi giới trong Thông tư 01 được ban hành từ năm 1998 đã trở thành lỗi thời, lạc lõng trong nền kinh tế thị trường. Từ khi ban hành đến nay, thông tư này chủ yếu chỉ phục vụ trong việc xem xét để kết luận thanh tra, điều tra kinh tế. Những quy định về hoa hồng trong Thông tư 01 không thể áp dụng trong kinh doanh.
Ví dụ như quy định mỗi DNNN căn cứ vào điều kiện của mình xây dựng quy chế chi hoa hồng môi giới, chi phí dịch vụ áp dụng thống nhất và công khai trong DN. Hội đồng quản trị, giám đốc DN phê duyệt quy chế nói trên và gửi cho cơ quan tài chính để giám sát thực hiện. Nhưng cơ quan tài chính sẽ thực hiện việc giám sát như thế nào? Nếu họ kiểm tra nội dung và phê duyệt thì có nghĩa là phải cùng chịu trách nhiệm nếu quy chế có vi phạm. Nếu gửi lên chỉ để biết thì việc gửi là vô nghĩa.
Về chứng từ chi hoa hồng môi giới, Thông tư 01 quy định: “Về nguyên tắc, mọi chứng từ chi phải đảm bảo có chữ ký của người nhận tiền. Trường hợp không thể có chữ ký của người nhận tiền thì phải ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận tiền”. Ở nước ta hiện nay, những tổ chức chuyên nghiệp làm môi giới còn ít, người làm môi giới gồm đủ thành phần, trong đó có cả CBCC. Những người này lại không bao giờ muốn ghi đầy đủ tên và địa chỉ của mình vào giấy nhận tiền hoa hồng. Về mức chi hoa hồng môi giới, Thông tư 01 quy định: “…Có thể tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu hoặc trên số chênh lệch giá trị tăng thêm do hoạt động môi giới và dịch vụ mang lại. Mức chi cụ thể do giám đốc DN quyết định”.
Nhưng chính trong thông tư này lại quy định: “Mức chi hoa hồng môi giới, chi phí dịch vụ được khống chế không quá 3% doanh thu nếu là các hoạt động môi giới hay dịch vụ không thể tính được phần giá trị tăng lên bằng số tiền tuyệt đối; hoặc không quá 30% trên giá trị tăng thêm, nếu xác định giá trị tuyệt đối tăng thêm”. Như vậy, quyền của giám đốc DN đã bị triệt tiêu. Chưa kể, mức chi về hoa hồng môi giới khác xa so với thực tế. Cho đến nay, không ở lĩnh vực nào, mức chi hoa hồng dưới 10% trên doanh thu. Phí phát hành báo, tạp chí đã ở mức 22% - 30% giá bìa, hoa hồng cho quảng cáo phổ biến là 35% - 40% giá trị hợp đồng…
Chưa thể khẳng định trong Liksin có tham nhũng hay “tình ngay lý gian”, nhưng rõ ràng, quy định về hoa hồng môi giới trong DNNN đã trở thành lỗi thời, lạc lõng trong kinh tế thị trường và cần phải nhanh chóng sửa đổi phù hợp để không cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.
HỒNG HIỆP