
Hôm qua, 11-8, Đại hội lần thứ 8 Hội Nhà báo Việt Nam đã họp phiên nội bộ (trong 2 ngày 11, 12-8) để chuẩn bị cho phiên khai mạc chính thức sẽ diễn ra tại hội trường Ba Đình vào ngày 13-8. Trong phiên họp nội bộ ngày đầu tiên, đại hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Hội khóa 7 trình Đại hội 8; Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung; Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Báo cáo kiểm điểm của BCH Hội khóa 7. Trong đó, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu. Bên thềm đại hội, PV Báo SGGP đã ghi nhận suy nghĩ của một số đại biểu về 2 vấn đề này...

Nhà báo Hữu Thọ (thứ hai bên phải) trao đổi với các đồng nghiệp tại đại hội. Ảnh: Minh Điền.
Nhà báo lão thành Hữu Thọ:
Hội phải kiên quyết bảo vệ những người làm báo hành nghề theo luật pháp
Đại hội lần thứ 8 Hội Nhà báo Việt Nam phải quán triệt tinh thần Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đó là nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của hội. Riêng tôi nghĩ, 2 mối quan hệ này có mối ràng buộc chặt chẽ. Bởi nếu muốn nâng cao được vai trò của hội, tức là vị trí mà cả xã hội công nhận thì phải nâng cao chất lượng hoạt động của hội, làm cho hoạt động của hội có hiệu quả, thì mới nâng cao được vai trò của hội, chứ không phải cứ “hét” nâng cao vai trò thì vai trò sẽ lên.
Đặc điểm của hội nhà báo, thứ nhất theo tôi nghĩ là phải góp phần cho anh em nhà báo nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đặc biệt là về đạo đức làm báo, nhất là trong tình hình kinh tế thị trường hiện nay để anh em báo chí có thể làm tốt công việc của mình. Thứ hai, phải kiên quyết bảo vệ những người làm báo hành nghề theo luật pháp, để họ không bị trù dập khi họ dám nói lên sự thật.
Mặt khác, vì tính chất của mình, hội phải tập hợp một cách rộng rãi anh em, sinh hoạt của hội phải mang tính nghề nghiệp mà anh em chúng ta hay nói là “tình bút mực”, để anh em có tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau và cùng nhau hành nghề theo đúng luật pháp, theo đúng định hướng của Đảng. Làm được điều đó, hoạt động của hội sẽ trở nên ấm áp và hiệu quả sẽ rất cao. BCH hội cần trẻ trung hơn (vì đội ngũ nhà báo trẻ của chúng ta rất đông), có đủ đại diện cho các vùng miền, các loại hình báo chí... để tiếng nói của hội được bao quát, toàn diện hơn.
- Ông có suy nghĩ gì về việc lần này đại hội sẽ thông qua quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo?
- Trước đây chúng ta đã có những quy ước về vấn đề này. Thế nhưng nếu nâng lên thành quy định thì nó sẽ chặt chẽ hơn. Là người làm báo, theo tôi phải có những tiêu chí nhất định. Mà đã gọi là quy định của hội thì bao giờ cũng phải cụ thể hơn và được xử lý triệt để hơn luật pháp. Có những điều người làm báo chưa vi phạm luật pháp nhưng vi phạm quy định của hội thì chúng ta phải xử lý. Như vậy mới bảo đảm để xã hội kính trọng nhà báo, và nhà báo mới đủ bản lĩnh và tín nhiệm cho hoạt động nghề nghiệp.

Xuân Trình, TBT Báo Hà Nội Mới:
Giúp người viết có chỗ đứng vững chắc trong lòng người đọc
Nâng từ quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí lên quy định là việc “luật hóa” trách nhiệm của người làm báo trước xã hội. Điều đó là một khẳng định với xã hội: nhà báo không được vi phạm về đạo đức nghề nghiệp.
Người làm báo cần phải luôn tâm niệm trên hết là bạn đọc, trên hết là chân lý, là sự thật. Tôi vẫn luôn nói với các đồng nghiệp, các phóng viên trẻ rằng, chính sự đúng đắn của báo chí mà báo chí phát triển mạnh mẽ.
Tuyệt đại đa số xã hội ta là tốt đẹp, nhân dân ta là tốt đẹp, vì vậy người làm báo phải biết khai thác, biết khích lệ những điều tốt đẹp đó, kể cả khi trong cuộc sống có những điều xấu xa thì người làm báo phải là người biết giúp họ “sửa sai”.
Có như thế người làm báo mới có chỗ đứng trong bạn đọc, được xã hội tôn vinh. Quy định về đạo đức nghề nghiệp nhà báo chính là để giúp họ đạt tới chỗ đứng vững chắc trong lòng người đọc.
Ông Vũ Văn Hiền, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam:
Người cầm bút phải tự giác hơn
Hiện nay đội hình báo chí rất đông đảo và phát triển mạnh mẽ. Báo chí làm được rất nhiều việc, thế nhưng cũng không ít trường hợp có vấn đề về mặt đạo đức, phẩm chất. Nó thể hiện ở việc có những điều nhà báo làm không đúng chức phận của mình, thậm chí bẻ cong ngòi bút hoặc làm việc chạy theo thị hiếu tầm thường.
Biểu hiện này có ở một số phóng viên và ngay cả bản thân một số cơ quan báo chí, vì chạy theo lợi ích cục bộ mà nói không đúng sự thật, làm méo mó sự thật. Cá biệt có cả những trường hợp lợi dụng cái uy của báo chí để làm khổ các đơn vị khác. Trong nghề báo chúng ta, đôi khi chỉ một câu chữ thôi cũng khiến tan tành một sự nghiệp, một cuộc đời. Đây là những vấn đề mà báo chí cần phải nhìn lại.
Theo tôi, sai phạm của nhà báo, nếu vì trình độ, nghề nghiệp thì có thể châm chước; nhưng nếu do chủ tâm của người làm báo thì phải xử lý nghiêm. Vì vậy, từ việc nâng quy ước đạo đức nghề nghiệp nhà báo lên thành quy định là để có những ràng buộc cao hơn đối với nhà báo, đòi hỏi họ phải tự giác hơn. Quy định này giống như Điều lệ Hội kéo dài, mang tính pháp quy hơn, làm cho người cầm bút phải tuân thủ. Đây cũng là vấn đề được ĐH lần này nhấn mạnh. Đây cũng là điều mà công luận, nhân dân và cả Đảng, Nhà nước mong muốn báo giới xác định rõ hơn. BCH Hội khóa 8 sẽ thể chế hóa quy định này.
Phó TBT báo Sinh viên – Hoa học trò Đoàn Công Huynh:
Hội phải quan tâm hơn đến đội ngũ những người làm báo trẻ
Trong nhiệm kỳ mới này, một chức năng rất mới của hội là tham gia quản lý báo chí theo Chỉ thị 37. Trong khi đó, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của hội là bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên vẫn chưa được Hội Nhà báo làm tốt. Chức năng này chưa được làm tốt thì liệu chức năng tham gia quản lý các cơ quan báo chí có được hội làm tới nơi tới chốn?
Nếu chỉ tập trung vào chức năng quản lý báo chí thì hội sẽ dễ rơi vào xu hướng coi nhẹ quyền lợi của hội viên, đặc biệt là hội viên trẻ. Vì ngay trong ĐH này, đối tượng là các phóng viên trẻ - những người trực tiếp làm nên diện mạo báo chí - rất ít ỏi.
Tôi vẫn có cảm giác ĐH là của các “sếp”. Hội Nhà báo trước hết phải là hội của những người làm nghề. Vì vậy, tôi tha thiết mong hội quan tâm hơn đến đội ngũ những người làm báo trẻ - chính họ là lực lượng đầy ý tưởng sáng tạo, đầy sung sức để làm nên tương lai của từng tờ báo nói riêng, của báo chí Việt Nam nói chung.
QUANG PHƯƠNG
.