Quản lý tiền tệ là vấn đề quan trọng của một quốc gia. Việc quản lý không những đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về phương tiện thanh toán mà còn phải góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định sức mua của đồng tiền.
Ngày 31-12-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 222/2013/NĐ-CP (NĐ 222) về thanh toán bằng tiền mặt. NĐ 222 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2014 thay thế cho Nghị định 161/2006/NĐ-CP quy định về thanh toán bằng tiền mặt.
NĐ 222 đã quy định rõ thế nào là tiền mặt, thanh toán bằng tiền mặt. Theo đó, tiền mặt được hiểu là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Thanh toán bằng tiền mặt là việc tổ chức, cá nhân sử dụng tiền mặt để trực tiếp chi trả hoặc thực hiện các nghĩa vụ trả tiền khác trong các giao dịch thanh toán. Với điều khoản giải thích từ ngữ, NĐ 222 đã tạo nên sự minh bạch, rõ ràng trong quá trình thực thi pháp luật. Về các đối tượng áp dụng, so với các quy định cũ, NĐ 222 đã mở rộng thêm một số đối tượng khác, bao gồm: các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước, và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt.
Theo NĐ 222, việc sử dụng tiền mặt của các đối tượng áp dụng nêu trên trong các giao dịch bị thu hẹp và hạn chế hơn trước kia rất nhiều. Các giao dịch bị hạn chế cụ thể như sau: Các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và tổ chức sử dụng vốn nhà nước không được thanh toán bằng tiền mặt, trừ một số trường hợp được phép theo quy định của Bộ Tài chính và của Ngân hàng Nhà nước.
Ở nghị định cũ có đưa ra một số trường hợp ngoại lệ cụ thể, nhưng nghị định mới không còn quy định những trường hợp tương tự. Không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán hay giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp; trong việc vay và cho vay giữa các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giải ngân vốn cho vay đối với khách hàng bằng tiền mặt phải theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Quy định này là cần thiết. Tuy nhiên cũng đã làm hạn chế việc vay vốn của khách hàng cho các nhu cầu tiêu dùng.
Đối với việc rút tiền mặt, NĐ 161 trước đây quy định cả tổ chức tín dụng và Kho bạc nhà nước đều được phép tự thỏa thuận với khách hàng về việc rút tiền mặt với số lượng lớn và chỉ cần thông báo trước khi có nhu cầu. Nay NĐ 222 cũng áp dụng tương tự như vậy cho tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tuy nhiên, với Kho bạc nhà nước thì dù khách hàng rút tiền số lượng lớn hay nhỏ đều phải đăng ký với Bộ Tài chính, chứ không phải chỉ cần thỏa thuận và thông báo như các tổ chức trên. Quy định này nhằm giúp kiểm soát việc giao dịch bằng tiền mặt đối với nguồn ngân sách nhà nước tại các kho bạc tốt hơn, bởi vai trò quan trọng của các cơ quan này đối với nền kinh tế và vấn đề tiền tệ của quốc gia.
Nhìn chung, NĐ 222 đã có những quy định chặt chẽ và hạn chế nhiều hơn về việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Tuy những quy định này ban đầu có thể sẽ gây khó khăn bởi người dân vốn đã quen với việc giao dịch bằng tiền mặt, nhưng đây là hướng đi phù hợp với chủ trương giảm việc dùng tiền mặt trong nền kinh tế của Nhà nước, đẩy mạnh việc thanh toán qua các công cụ thanh toán, phù hợp với xu thế của nền kinh tế thế giới.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHANS)