Quy hoạch tốt, tạo quỹ đất xây nhà ở xã hội

Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060. Theo nhiều chuyên gia, đây là cơ hội tốt để thành phố thực hiện chủ trương xây nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. 

Ông Hoàng Minh Trí (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, người đã tham gia lập cũng như điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch xây dựng của thành phố, trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh nội dung này. 

Quy hoạch tốt, tạo quỹ đất xây nhà ở xã hội ảnh 1

Phải chọn được vị trí phù hợp

* PHÓNG VIÊN: Quan điểm của ông về việc thực hiện kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp ở TPHCM ra sao?

* Ông HOÀNG MINH TRÍ: Cứ nhìn những dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp thành công thời gian qua mà báo SGGP đã nêu, tất cả đều có một điểm chung. Đó là xây dựng ở khu vực xa trung tâm thành phố - nơi còn quỹ đất với giá phù hợp.

Một điểm chung nữa, đó là giao thông kết nối từ trung tâm thành phố tới đó thuận tiện. Như tổ hợp chung cư nhà ở xã hội HQC Plaza, nằm ở mặt tiền đại lộ Nguyễn Văn Linh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh). Từ trung tâm thành phố ra đây có các trục đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, nếu không kẹt xe, chỉ mất khoảng 20 phút đi đường. Một dự án khác là dự án nhà ở xã hội HOF-HQC trên đường Hồ Học Lãm (Bình Tân, TPHCM) chỉ mất 15 phút đi từ trung tâm thành phố tới đó… Như vậy, điều tôi muốn nói dưới góc độ quy hoạch là quy hoạch địa điểm để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, rất quan trọng. 

Vừa qua, một số quận của TPHCM muốn sử dụng một số diện tích đất công, đất của cơ sở sản xuất phải di dời ra ngoại thành để làm nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, nhà tái định cư. Mong muốn tạo dựng chỗ ở cho người thu nhập thấp ở khu trung tâm, nội thành để họ tiện đi làm, đưa con cái đi học là tốt nhưng không thực tế do giá đất ở đây rất cao. Đa phần đều vượt khả năng chi trả của người thu nhập thấp. Chưa kể, giá cả sinh hoạt trong khu vực trung tâm thường cao hơn khu vực khác, người thu nhập thấp khó có thể an cư ở đây.

Trên thực tế, nhiều người dân ở các nhà lụp xụp ven kênh, rạch khi được tái định cư ở các chung cư mới, nằm ở khu vực trung tâm như chung cư rạch Ụ Cây, chung cư dọc đường Võ Văn Kiệt, chung cư ở khu vực Thủ Thiêm… sau khi nhận nhà, họ đã bán đi, tìm nơi ở khác phù hợp hơn. 

* Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác lập quy hoạch phát triển đô thị tại thành phố chưa tính đến việc tìm quỹ đất xây nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp? 

* Quy hoạch chung thành phố chỉ định hướng phát triển không gian đô thị, trong nội dung này TPHCM cũng đã “lồng” vào các chủ trương phát triển nhà ở. Chẳng hạn, định hướng phát triển không gian đô thị, TPHCM có xác định hình thành các đô thị vệ tinh như Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị cảng Hiệp Phước…

Mục tiêu hình thành của các đô thị vệ tinh này là giãn dân ra khỏi nội đô, xây dựng khu đô thị mới hoàn thiện về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị qua đó giải quyết nhu cầu ở, làm việc của người dân. Các đô thị vệ tinh hình thành ở khu vực xa trung tâm, giá cũng không quá mắc… nên có điều kiện để phát triển loại hình nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp.

Tiếc rằng, thành phố chưa phát triển không gian đô thị được theo hướng đó mà cứ “loang như vết dầu”. Hậu quả là nhiều khu dân cư mới hình thành nhưng thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không ít nơi đã biến thành khu nhà lụp xụp, không đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Quy hoạch tốt, tạo quỹ đất xây nhà ở xã hội ảnh 2 Dự án nhà ở xã hội HOF - HQC trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lồng ghép với quy hoạch

* Như vậy, vấn đề cần thiết là điều chỉnh lại khâu thực hiện quy hoạch phát triển không gian đô thị?

* Trước đây, TPHCM đã có nhiều chương trình phát triển nhà ở dựa trên cơ sở chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, di dời nhà ở ven và trên kênh rạch... Các chương trình này đạt một số kết quả nhất định, góp phần vào việc chỉnh trang đô thị tại thành phố.

Thế nhưng, như tôi nói ở trên, hầu hết các dự án nhà ở này đều ở khu nội thành hiện hữu nên quỹ đất hẹp. Do đó, để có thể đầu tư xây dựng nhiều nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp như mong muốn, thành phố tính thêm bước nữa là nên thống nhất kế hoạch xây dựng này với phát triển các đô thị vệ tinh.

Trong đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh cần xác định rõ vị trí khu vực sẽ xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Phân khu cho mỗi loại hình nhà ở nhưng không nên tách biệt để đảm bảo người dân có thể sử dụng chung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị của cả khu đó, giúp họ bớt gánh nặng chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội. 

* Theo ông, việc gì có thể làm ngay để có thể triển khai xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp? 

* Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060. Tuy nhiên, theo nội dung chính của nhiệm vụ này, về cơ bản TPHCM vẫn đặt mục tiêu xây dựng các đô thị vệ tinh tương tự như Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24 ngày 6-1-2010 (đồ án đang được triển khai thực hiện ở TPHCM).

Như vậy, thành phố có thể căn cứ vào quy hoạch này để xây dựng ngay kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp ở các đô thị vệ tinh. Xác định vị trí, ranh giới, quy mô diện tích dự án nhà ở xã hội trong khu đô thị này và song song đó xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho dự án xây dựng nhà ở xã hội. 

TPHCM đang có nhiều dự án đầu tư công trình giao thông lớn kết nối các khu đô thị vệ tinh như tuyến metro số 1, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội kết nối Khu đô thị công nghệ cao. tuyến metro số 2, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài kết nối Khu đô thị Tây Bắc… đây là cơ hội để thành phố xây dựng khu đô thị vệ tinh với nhiều nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp.

Tin cùng chuyên mục