Quy hoạch vùng lõi của Thủ đô: Kiến tạo không gian sống chất lượng cao

Với người dân Hà Nội, 4 quận lõi: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng có vai trò rất quan trọng của Thủ đô. Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc quy hoạch và phát triển 4 quận nội thành trên đang được sự quan tâm đặc biệt với mong muốn vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, vừa phát triển nâng cao vai trò, vị thế quan trọng để mãi là nét đặc trưng của Thủ đô.

Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, 4 quận nội thành Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng của TP Hà Nội có vị thế “Trái tim của trái tim” cả nước, đã có sự phát triển ổn định nên yêu cầu tìm ra khát vọng phát triển toàn diện khu vực là thách thức rất lớn.

Trong phương án phát triển 4 quận trên có nhiều nội dung được kế thừa định hướng từ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (được phê duyệt năm 2011) gồm: Bảo tồn di sản Thăng Long và giá trị truyền thống của người Hà Nội; giảm dân số 4 quận nội thành từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu dân; hạn chế phát triển không gian các toà nhà cao tầng, giảm chất thải, bảo vệ di sản, môi trường và dành quỹ đất cho không gian công cộng; di dời một phần các cơ sở đào tạo, y tế, sản xuất ra ngoài nội đô.

Ô Quan Chưởng là địa danh lịch sử luôn thu hút ở quận Hoàn Kiếm

Ô Quan Chưởng là địa danh lịch sử luôn thu hút ở quận Hoàn Kiếm

Đối với quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đột phá, nét mới trong quy hoạch lần này là tăng được sự hấp dẫn của 4 quận nội đô lịch sử thông qua các giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị thông minh có sự tham gia của cộng đồng; kết nối di sản với cuộc sống đương đại để giới trẻ, nghệ sĩ tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo; cải tạo cảnh quan tuyến phố, tái thiết lõi ô phố, phát triển không gian nghệ thuật cộng đồng, thúc đẩy kinh tế di sản, kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè và công nghiệp văn hóa.

Về chỉnh trang đô thị, sẽ áp dụng mô hình đô thị 15 phút có sự tham gia của cộng đồng. Trong mỗi khu dân cư có đủ các tiện ích hạ tầng xã hội hiện đại, dịch vụ đô thị, ga tàu điện… nhằm kiến tạo nhiều không gian sống chất lượng cao, không gian sống hạnh phúc trong 4 quận nội đô lịch sử.

Phố đi bộ xung quanh hồ Gươm luôn đông đúc du khách dịp cuối tuần

Phố đi bộ xung quanh hồ Gươm luôn đông đúc du khách dịp cuối tuần

Đóng góp vào định hướng quy hoạch và phát triển nêu trên, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, các đơn vị tư vấn, lập quy hoạch cần đánh giá sự tương tác, hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật giữa các quận. Với định hướng phát triển trục sông Hồng, cần khôi phục giao thông đường thuỷ, coi đây là động lực phát triển cho các điểm dừng chân, điểm kết nối giao thông giữa các khu vực trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tập trung cho lĩnh vực bảo tồn giá trị di sản đô thị, sắp xếp lại chức năng sử dụng đất, đặc biệt là những khu vực ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ.

“Sự tham gia của người dân, của cộng đồng cho mục tiêu phát triển của quận thời gian qua đã tạo những đóng góp không nhỏ. Chính người dân đã chủ động chuyển đổi các mô hình kinh doanh đem lại hiệu quả cao hơn”, ông Phạm Tuấn Long nêu rõ.

Phố Phan Đình Phùng, con đường đẹp và lãng mạn ở quận Ba Đình

Phố Phan Đình Phùng, con đường đẹp và lãng mạn ở quận Ba Đình

Trong khi đó, với nhiều nét đặc thù, tính chất của đô thị trên địa bàn có nhiều khác biệt, đặc biệt là các phố cũ có sức phát triển thương mại dịch vụ du lịch dẫn đầu quận, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, với khu vực 13 làng trại, quận mong muốn được định hướng quy hoạch giữ lại dấu ấn, cấu trúc làng xóm vùng đồng bằng Bắc Bộ với 52 di tích văn hóa lịch sử và định hướng phát triển truyền thống, du lịch tâm linh và lễ hội.

Đối với quận Hai Bà Trưng có mật độ dân cư rất đông, ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng, về phát triển kinh tế, quận đang chuyển dịch sang hướng dịch vụ, thương mại, đặc biệt chú trọng lĩnh vực tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế. Do đó, quận đề nghị đơn vị tư vấn có định hướng quy hoạch phát triển mạnh về dịch vụ giáo dục, y tế.

Cùng với đó, trên địa bàn có một số di tích, hệ thống công viên, vườn hoa tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, dịch vụ nên mong muốn tích hợp vào quy hoạch Thủ đô sẽ được định hướng không gian phát triển kinh tế liên quan đến các không gian này.

Đóng góp vào định hướng phát triển 4 quận trong quy hoạch Thủ đô, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh về vai trò, vị thế quan trọng của khu vực nội đô lịch sử, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu rõ, 4 quận nội thành nêu trên không chỉ là “trái tim” mà còn là “khối óc”, “lá phổi” khi quyết định tốc độ tăng trưởng, cũng như nét hấp dẫn của TP Hà Nội.

Hướng phát triển khu vực nội đô tới đây cần nhận diện đầy đủ, chính xác, khoa học về quỹ di sản bởi bên cạnh di sản di tích, không gian tổ hợp là các tuyến phố cũng là nét đặc trưng của Thủ đô. Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn về quỹ đất, đặc biệt không gian ngầm với các tính toán rà soát về bãi đỗ xe, công trình công cộng ngầm, cũng như tạo ra các điểm nhấn để khai thác nguồn lực văn hóa, con người.

Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương cần tập trung đánh giá kỹ hiện trạng về quy mô dân số; rà soát tài sản công; hoán đổi, chuyển đổi vị trí, chức năng của đất đai trên địa bàn 4 quận nêu trên. Đồng thời cần tập trung giải quyết ngay những vấn đề cấp bách như ô nhiễm không khí, ô nhiễm sông Tô Lịch.

Tin cùng chuyên mục