Ngày 28-12, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Các Bí thư Trung ương Đảng dự hội nghị gồm: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2023, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng hoàn thành 21 đề án theo chương trình, kế hoạch làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương. Chủ động tham mưu việc chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; tham mưu Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương thống nhất thành lập 5 tiểu ban. Tiến hành khảo sát kết quả thi hành Điều lệ Đảng từ năm 2011 đến nay; triển khai hoạt động của Tiểu ban Điều lệ Đảng; quán triệt, hướng dẫn xây dựng báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng 5 năm (2021 - 2025) và báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Điều lệ Đảng (2011 - 2025), bảo đảm dân chủ, đồng bộ, thống nhất.
Công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 được tiến hành khoa học, chặt chẽ, thận trọng, dân chủ, khách quan, minh bạch; bảo đảm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tham mưu ban hành các văn bản quan trọng về công tác cán bộ như: Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, thể hiện quyết tâm của Đảng trong phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã thêm một kênh thông tin để đánh giá cán bộ, góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; Quy định số 124 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị đã nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, tự soi, tự sửa, nâng cao tính thực chất trong công tác đánh giá cán bộ…
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy ưu điểm, kết quả tích cực đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập để thực hiện có hiệu quả, đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 3 nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược về công tác xây dựng Đảng.
Trong đó, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng sẽ tập trung tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2024 bảo đảm tiến độ, chất lượng gắn với công tác chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tổ chức xây dựng Đảng; tham mưu nghiên cứu, xây dựng, sơ kết, tổng kết, sửa đổi, bổ sung một số quy định, đề án của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức bộ máy; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; thực hiện nền nếp việc giao, quản lý biên chế của hệ thống chính trị năm 2024.
Đồng thời tham mưu thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ; hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung các văn bản của Đảng về công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới. Tham mưu bố trí, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ theo thẩm quyền phân cấp. Phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác nhân sự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029 và một số tổ chức hội ở Trung ương; tiếp tục triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ bảo đảm chất lượng, đúng quy định.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, kết quả ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã góp phần làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, tồn tại phải tiếp tục quan tâm, có giải pháp để khắc phục như việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược. Theo đồng chí Trương Thị Mai, ở nhiều góc độ có cán bộ năng lực hạn chế; đạo đức phẩm chất chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, dĩ hòa vi quý, ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhấn mạnh 9 nhiệm vụ triển khai trong năm 2024, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc đầy đủ, tổ chức thực hiện nghiêm nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các văn bản, nghị quyết của Đảng phải được quán triệt sâu sắc, phải được cụ thể hóa sát với thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và tổ chức thực hiện nghiêm mới đạt được kết quả.
Đặc biệt lưu ý về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, đảng viên theo Nghị quyết 21 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng theo hướng thiết thực, sát hợp, đồng thời đổi mới phong cách, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng.
“Tăng cường cải cách, không để vì tầng tầng, nấc nấc quy trình, quy định mà cuối cùng ra được cán bộ lại không đủ chất lượng. Tôi đề nghị cần quan tâm tổ chức đảng phải vững mạnh, cán bộ đảng viên có chất lượng. Quy trình, quy định là quan trọng nhưng phải đảm bảo chất lượng. Quy trình, quy định là để không lạm quyền, quy định chặt chẽ là để dẫn tới chất lượng”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.