Tunisia, ngày 25-11, đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại nước này kể từ khi Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali bị lật đổ 9 tháng trước sau các cuộc biểu tình của quần chúng.
Tại Morocco, ngày 27-11, đảng Công lý và Phát triển (PJD) Hồi giáo lần đầu tiên giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội. Ngày 30-11, đảng Tự do và Công lý (FJP) của nhóm Anh em Hồi giáo, một nhóm ôn hòa từng bị cấm hoạt động, cũng tuyên bố chiến thắng trong giai đoạn mở đầu cuộc bầu cử đầu tiên ở Ai Cập kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ.
Tại cả 3 nước trên, các đảng Hồi giáo đã tận dụng được bối cảnh kinh tế - xã hội không ổn định để vận động tranh cử. Tình trạng nghèo khổ tồn tại ở rất nhiều vùng. Tỷ lệ thất nghiệp rất cao trong giới trẻ, có nơi chiếm tới trên 50% số cử tri.
Trong bối cảnh đó, các chính đảng lao vào cuộc chạy đua với những lời hứa hẹn về xã hội và kinh tế, đưa ra những cương lĩnh tranh cử đề cập đến tất cả các vấn đề, nhưng theo giới phân tích, là khó thực hiện được. Còn các đảng Hồi giáo thì rất thông minh khi chủ trương xây dựng một xã hội hiện đại và chống lại mọi xu hướng bảo thủ, đặc biệt là những cam kết thay đổi tận gốc những bất công trong xã hội, chứ không chỉ là cải thiện tình hình kinh tế, xã hội.
Ở Tunisia, đảng Ennahda là lực lượng nòng cốt lãnh đạo cuộc biểu tình của người Tunisia lật đổ chính quyền Ben Ali và tuyên bố áp dụng mô hình Nhà nước Hồi giáo trung dung như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia nên đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua tại nước này. Tại Morocco, PJD đã thành công trong việc thuyết phục đông đảo cử tri khi tập trung nói về lãnh đạo, đấu tranh chống tham nhũng, giải quyết các vấn đề xã hội và dân sinh, tăng trưởng kinh tế ổn định.
Còn Ai Cập, đảng FJP của nhóm Anh em Hồi giáo biết xoáy vào sự thống nhất về một chương trình cải cách cơ bản trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội cũng như cần hành động để bảo vệ quyền công dân, trong đó mọi người dân đều được đối xử công bằng. Mới đây, tại Libya, nhóm Anh em Hồi giáo ở nước này cũng công khai hoạt động và muốn ra tranh cử với mục tiêu xây dựng Nhà nước Hồi giáo tại Libya.
Còn quá sớm để kết luận các đảng Hồi giáo có đáp ứng trọn vẹn sự mong mỏi của người dân Ảrập hay không. Chuyên gia Hồi giáo người Pháp Oliver Roy nhìn nhận: Sẽ là không khôn ngoan nếu đánh giá quá cao sức mạnh của các đảng Hồi giáo khi họ chỉ là một phần của bức tranh rộng lớn. Nhưng cũng sẽ rất nguy hiểm nếu đánh giá quá thấp khả năng gây tác động của họ khi họ đang giữ trong tay đòn bẩy của quyền lực.
Các nước phương Tây hiện đang thận trọng theo dõi xu hướng phát triển mới này ở các nước Ảrập. Đặc biệt Mỹ và người đồng minh Israel có lý do để lo ngại các thế lực Hồi giáo cực đoan trỗi dậy. Việc các đảng Hồi giáo thắng cử và tuyên bố đưa các nước này trở thành Nhà nước Hồi giáo trung dung cũng đã phần nào làm lệch hướng của Mỹ.
Ngay sau khi các nhà độc tài thân Mỹ ra đi, Mỹ hy vọng các chính phủ mới tiếp tục đường lối của các nhà cầm quyền cũ, cản trở các thế lực Hồi giáo trỗi dậy. Có lẽ vì vậy mà trong tuần tới, các nước phương Tây sẽ tổ chức một hội nghị xem xét vấn đề các thế lực Hồi giáo trỗi dậy tại những nước mà “Mùa xuân Ảrập” đã đi qua.
Lê Vân