Quyết liệt bảo vệ bản quyền báo chí trên không gian mạng

Trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay, vấn đề vi phạm bản quyền đang tạo rào cản cho sự phát triển nội dung báo chí số. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, về vấn đề này.
PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng
PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng

- PHÓNG VIÊN: Theo bà, môi trường số với không gian mạng, nhất là hoạt động của các mạng xã hội xuyên biên giới, đã tác động ra sao tới hoạt động của báo chí truyền thống ở Việt Nam?

- PGS-TS ĐỖ THỊ THU HẰNG: Với nguyên lý “công chúng ở đâu, nội dung báo chí ở đó”, sự xuất hiện mạng xã hội và sự tham gia mạnh mẽ của công chúng Việt Nam, báo chí đã đưa nội dung lên các nền tảng mạng xã hội một cách mạnh mẽ. Những năm qua, mạng xã hội đã thể hiện vai trò tích cực trong việc phát triển một xã hội thông tin ở Việt Nam. Công chúng được tiếp cận và trực tiếp sản xuất nội dung số trên những nền tảng thông minh, lại được dùng miễn phí. Đây cũng là dịch vụ để báo chí làm quen và tiếp cận với báo chí di động và báo chí đa nền tảng.

PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết: để nâng cao ý thức, thống nhất về nhận thức, từ đó tăng sức mạnh đoàn kết của khối báo chí truyền thông nhằm đấu tranh chống vi phạm bản quyền nói riêng và chuyển đổi số báo chí đồng bộ, hiệu quả nói chung, ngày 13-9 tới, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu nhân dân đồng tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”. Điều này thể hiện sự quyết liệt và mạnh mẽ của báo giới Việt Nam nhằm chủ động tìm kiếm và thực thi các giải pháp xử lý vấn nạn vi phạm bản quyền báo chí, góp phần phá bỏ những rào cản của chuyển đổi số báo chí.

Bên cạnh tác động tích cực, còn có những thách thức rất lớn về an toàn thông tin, an ninh truyền thông, vấn nạn vi phạm bản quyền, về tin tức giả mạo và sai lệch, lộ thông tin và dữ liệu của cá nhân, tổ chức; bị xâm hại quyền riêng tư… Với sự xuất hiện của mạng xã hội, mô hình kinh doanh nội dung báo chí trở nên khó khăn. Với các cơ quan báo chí, việc tạo ra mô hình kinh doanh có lợi từ nội dung báo chí trực tuyến và thu hồi vốn là khó khăn, đặc biệt khi công chúng có thể truy cập nội dung miễn phí trên internet.

- Hiện nay, các mạng xã hội, với những công cụ tinh vi, hiện đại ngang nhiên lấy thông tin của báo chí để đăng tải trên các “trang news” của họ, cung cấp cho người dùng, xem như một kênh tin tức. Tình trạng đó nói lên điều gì, thưa bà?

- Nguyên nhân trước tiên là do internet cho phép nội dung báo chí được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng. Điều này làm cho việc kiểm soát sao chép và phân phối nội dung báo chí trở nên khó khăn hơn. Với sự xuất hiện của nhiều công cụ số, việc sao chép và tái sử dụng nội dung báo chí trở nên dễ dàng hơn, nhất là trên các nền tảng trực tuyến. Điều này tạo ra môi trường dễ bị vi phạm bản quyền.

Phóng viên tác nghiệp tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo SGGP tổ chức ngày 6-9. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phóng viên tác nghiệp tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo SGGP tổ chức ngày 6-9. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nguyên nhân nữa là trên môi trường số, thông tin có thể được chia sẻ nhiều lần và không rõ nguồn gốc, dẫn đến việc xác định tác giả và nguồn gốc của một bài viết trở nên khó khăn, tạo nên những thách thức liên quan đến vấn đề bản quyền và bảo vệ bản quyền nội dung số. Internet là một không gian trực tuyến quốc tế. Trong đó, vấn đề bản quyền báo chí có thể phát sinh ở nhiều quốc gia khác nhau với quy định pháp lý khác nhau, làm cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Sự phát triển quá nhanh của công nghệ đã khiến sự thay đổi các quy phạm pháp luật không theo kịp, dẫn đến còn chưa có hoặc chế tài xử lý vi phạm chưa theo kịp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người dùng thiếu hiểu biết về quyền bản quyền và có thể vi phạm bản quyền một cách không chủ ý; ý thức tự bảo vệ bản quyền của nhà báo và cơ quan báo chí cũng chưa thật sự được quan tâm tương xứng.

- Một số nước châu Âu và Australia đã “bắt buộc” Facebook và Google phải trả tiền cho báo chí khi lấy tin của báo chí đưa lên “trang news” của các mạng xã hội này. Vấn đề này ở Việt Nam đang được xử lý như thế nào?

- Cuộc “đấu tranh về bản quyền nội dung tin tức” của Australia và một số quốc gia châu Âu nêu trên là một kinh nghiệm quý cho Việt Nam. Đó là bài học về sự đoàn kết của ngành báo chí; sự rõ ràng và mạnh mẽ về pháp lý; động thái tạo áp lực mạnh lên các mạng xã hội xuyên quốc gia của chính phủ và các cơ quan quản lý. Đặc biệt là vấn đề nhận thức và ý thức mạnh mẽ trong đấu tranh chống vi phạm bản quyền báo chí của các lực lượng bên trong quốc gia sở tại.

Hội Nhà báo Việt Nam có chủ trương hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc bảo vệ bản quyền, tăng nguồn thu từ khai thác dữ liệu người dùng. Chúng tôi sẽ bắt tay hợp tác với những doanh nghiệp có nền tảng công nghệ lớn để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí nhỏ không đủ tiềm lực cơ sở hạ tầng thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, hội cũng xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung thống nhất cho các cơ quan báo chí với dự kiến từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có ít nhất 30 cơ quan báo chí sử dụng hệ thống này.

- Trong khi chờ một khuôn khổ pháp lý, chế tài đủ mạnh để buộc các mạng xã hội như Facebook và Google tuân thủ, chấp nhận yêu cầu của báo chí Việt Nam khi muốn đăng lại tin tức thì báo chí Việt Nam cần ứng xử với tình trạng này như thế nào, vì nhiều tờ báo xem mạng xã hội là một kênh để phát hành tin tức, tăng lượt truy cập cho báo mình?

- Mỗi cơ quan báo chí cần có quan điểm và chiến lược, chiến thuật cụ thể và rõ ràng khi phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội. Các nhà báo, nhà lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí cần trang bị một cách có hệ thống những hiểu biết về lĩnh vực bản quyền nội dung số; nhận diện được các kiểu vi phạm bản quyền; học hỏi kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ bản quyền từ các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số nhằm bảo vệ bản quyền báo chí hiệu quả.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh. Ý thức, sự đoàn kết và liên kết mạnh mẽ giữa các cơ quan báo chí; cơ quan báo chí với cơ quan quản lý, đối tác, tập đoàn công nghệ vì sự phát triển của nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại sẽ là một dấu hiệu tích cực cho việc đấu tranh chống vi phạm bản quyền đang rất nhức nhối trên các nền tảng xuyên biên giới hiện nay.

Tin cùng chuyên mục