Quyết liệt hơn nữa để cải cách đi vào thực tế

- Phóng viên:
Quyết liệt hơn nữa để cải cách đi vào thực tế

Với những quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, môi trường kinh doanh (MTKD) của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nếu so với các nước xung quanh thì MTKD của Việt Nam vẫn có khoảng cách khá lớn, còn so với yêu cầu của doanh nghiệp thì khoảng cách còn xa. Thực tế đó tiếp tục đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của không chỉ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà cả các bộ, ngành, địa phương để chính sách được thực thi trong thực tế. Đó là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

Ông Đậu Anh Tuấn

- Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về những hành động gần đây của Chính phủ mới trong cải thiện MTKD?

>> Ông ĐẬU ANH TUẤN: Dù chưa được 1 năm nhưng tôi cho rằng phát triển kinh tế và cải thiện MTKD đã được xem là những giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong thời gian qua. Hàng loạt giải pháp cụ thể đã được Chính phủ đưa ra, trong đó có việc trình Quốc hội sửa đổi nhiều luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh tập trung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, Chính phủ trong thời gian vừa qua đã đảm bảo được những quy định đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 được thực hiện nghiêm túc, với việc hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại thông tư phải bãi bỏ, tiến hành rà soát nghiêm túc các điều kiện kinh doanh và ban hành gần 50 nghị định thay thế. Một khối lượng lớn công việc rất lớn đã được thực hiện trong thời gian rất ngắn, đảm bảo được mốc thời gian 1-7 là các điều kiện kinh doanh tại thông tư phải bãi bỏ như luật quy định, nhưng cũng đảm bảo chất lượng các điều kiện kinh doanh này.

Tháng 3-2016 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 năm 2016 - Nghị quyết 19 lần thứ 3 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp đó Chính phủ lại tiếp tục ban hành Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu và tầm nhìn cả nhiệm kỳ. Các nghị quyết này đều có mục tiêu cụ thể về các lĩnh vực cần thay đổi, so sánh được với các quốc gia khác trong khu vực và có lộ trình thực hiện chi tiết.

- Những điều này đã mang lại những kết quả tích cực nào chưa, thưa ông?

Dù thời gian chưa dài nhưng các biện pháp nêu trên đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. Năm 2016, khả năng là năm đầu tiên mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mốc kỷ lục - vượt con số 100.000 như công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng đã công bố chỉ số MTKD, trong đó Việt Nam tăng đến 9 bậc, vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN. Đây là những minh chứng rõ thể hiện những kết quả ban đầu của quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển doanh nghiệp này.

Nhưng tôi cho rằng, điểm tích cực nhất có thể thấy là ít có thời điểm nào, Chính phủ và các bộ, ngành đã dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa rồi. Và cũng ít thời điểm nào Chính phủ dành nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với các doanh nghiệp như những tháng qua. Đặc biệt là một hội thảo quy mô rất lớn với doanh nghiệp cả nước được tổ chức ngay những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ mới với sự tham gia trực tiếp của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và rất nhiều bộ trưởng. Chính điều này thúc đẩy hàng loạt những hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe doanh nghiệp được các địa phương tổ chức dồn dập sau đó. Chính phủ cũng đã xây dựng cổng thông tin riêng để tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp. Tôi rất ấn tượng với những giải quyết cụ thể của người đứng đầu Chính phủ, đặc biệt những vụ việc cụ thể, điển hình cũng được giải quyết rốn ráo như vụ quán cà phê  Xin Chào trong TPHCM…

- Theo ông, những chuyển động như vậy có làm MTKD của Việt Nam thực sự thuận lợi chưa?

Dù đã có những chuyển động hết sức nhanh chóng và tích cực từ người đứng đầu Chính phủ, từ Chính phủ mới nhưng để cả bộ máy chính quyền các cấp chuyển động đồng tốc không phải là đơn giản. Thẳng thắn đánh giá thì MTKD của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt trong thời gian qua nhưng so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN thì vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của doanh nghiệp thì lại càng xa. Các doanh nghiệp vẫn đang gặp hàng loạt khó khăn trong hoạt động của mình từ vay vốn khó khăn và lãi suất cao so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng hạ tầng kém cho đến các vướng mắc và khó khăn trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất nhập khẩu… Khác với nhiều nước, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu cho đến luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp…

Khác với doanh nghiệp nhiều nước được kinh doanh trong một môi trường thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp, bộ máy nhà nước luôn trăn trở tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển… thì ở Việt Nam giải pháp cơ bản vẫn là… giảm phiền hà, giảm nhũng nhiễu!

- Theo ông, thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải làm gì để tất cả những giải pháp hỗ trợ được nêu tại Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 đi vào thực tế?

Có doanh nghiệp kể với tôi, ở địa phương khi doanh nghiệp phát biểu đề nghị “chính quyền đồng hành” cùng doanh nghiệp thì có vị lãnh đạo địa phương thẳng thừng bác bỏ “đồng hành sao được, đồng hành là ngang hàng à? Lãnh đạo tỉnh sao ngang hàng với doanh nghiệp được!?”.

Nêu ví dụ trên và như đã phân tích ở trên, theo tôi, điều quan trọng là cần rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. Chính phủ thời gian tới cần có cơ chế, những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc giám sát và đánh giá kết quả thực thi các nghị quyết này. Không thể chấp nhận được việc một số lĩnh vực dù được chỉ đích danh trong các báo cáo tổng kết Nghị quyết 19 là cản trở, cần thay đổi… nhưng sau bao năm vẫn không chịu thay đổi dù đó chỉ là những thông tư của cấp bộ. Những tinh thần rất cải cách của nghị quyết của Chính phủ này cần được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc nhất trên thực tế.

Bên cạnh đó là cần tiếp tục phát huy những rà soát độc lập đối với những quy định đang cản trở, gây phiền hà cho doanh nghiệp, trước hết về điều kiện cấp phép, quy định thủ tục hành chính để kiến nghị Chính phủ thay đổi. Qua quá trình VCCI và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương rà soát một cách độc lập các điều kiện kinh doanh quy định tại cấp thông tư chuyển đổi lên nghị định theo đề nghị của Chính phủ đã phát hiện hàng trăm các vấn đề bất cập, có thể bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa… Điều này cho thấy hoàn toàn có thể phát hiện thêm rất nhiều những vấn đề tương tự đang tồn tại không chỉ ở thông tư mà trong các nghị định, luật.

Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm phải tính toán và đánh giá được chi phí, lợi ích của từng thủ tục hành chính đặt ra chứ không chỉ nêu chung chung là nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, như cách làm phổ biến trước đây. Bởi chúng ta dường như đang lạm dụng các giải pháp quản lý, đặt ra rất nhiều gánh nặng hành chính, thủ tục cấp phép và không bao giờ tính đến nó tạo ra gánh nặng như thế nào cho doanh nghiệp, ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam và gây thiệt hại như thế nào đến nền kinh tế nói chung. Những thủ tục như kiểm định formaldehyt đối với hàng dệt may trước đây; thủ tục dán nhãn năng lượng hay rất nhiều thủ tục chuyên ngành khác trong xuất nhập khẩu đang tạo ra những chi phí khủng khiếp cho doanh nghiệp dù mục tiêu quản lý đạt được đôi khi không rõ hoặc có nhưng rất khiêm tốn. Việc Bộ Công thương vừa rồi quyết định bãi bỏ Thông tư 37 về formaldehyt là một điển hình tốt cần phải tiếp tục nhân rộng.

Về lâu dài, tôi cho rằng cần có những chuyển đổi đồng bộ hơn trong tư duy và ứng xử của bộ máy nhà nước đối với các doanh nghiệp, thay đổi theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, kiến tạo phát triển như Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh. Tư duy này cần chuyển đổi trong cả ban hành cũng như thực thi. Bởi ở các bộ và rất nhiều địa phương vẫn phổ biến tình trạng có tư duy quản lý áp đặt, cửa quyền đối với doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

NGỌC QUANG thực hiện

Tin cùng chuyên mục