Ra mắt ấn phẩm “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”

Ngày 19-5, tại Đường sách TPHCM, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức chương trình giao lưu và giới thiệu ấn phẩm Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng của GS-TS Trình Quang Phú.

Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1996, đến nay, qua 27 năm, Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng đã được tái bản ở nhiều nhà xuất bản, trong đó 5 lần gần đây là tại NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Ở một số lần, cuốn sách đã được chỉnh sửa. Tuy nhiên, có thể nói, lần xuất bản thứ 22 này là lần xuất bản có nhiều bổ sung, chỉnh sửa nhất.

Ngoài sắp xếp lại thứ tự các bài viết ở từng phần cho phù hợp hơn, tác giả còn bổ sung 5 bài viết, trong đó đặc biệt có bài Bông Huệ thơm viết về người bạn gái của Bác Hồ (bà Lê Thị Huệ) ở Sài Gòn trước lúc Người ra đi tìm đường cứu nước và bài Một số tư liệu khảo cứu về Bác ở miền Nam làm rõ một số vấn đề, mốc thời gian liên quan đến Bác Hồ ở miền Nam mà trước nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất như về thời gian Bác vào trường Quốc học, thời gian Bác tham gia phong trào chống thuế, về phương tiện đi vào Nam của Bác, về việc Bác vào Quy Nhơn, về địa điểm Bác xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước...

Ở lần xuất bản thứ 22 này, ấn phẩm "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" có nhiều bổ sung, chỉnh sửa nhất

Ở lần xuất bản thứ 22 này, ấn phẩm "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" có nhiều bổ sung, chỉnh sửa nhất

Chia sẻ tại chương trình, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc chi nhánh NXB Quốc gia Sự thật tại TPHCM, cho rằng, thông qua việc đầu tư tìm tòi, khảo cứu, gặp gỡ các nhân chứng, qua các bài viết, tác giả đã cung cấp cho độc giả khá nhiều thông tin mới, chính xác về các sự kiện, nhân vật, mốc thời gian gắn liền với thời tuổi trẻ của Bác. Do đó, đây là một cuốn sách rất có giá trị về mặt khoa học.

“Chiếm xấp xỉ một nửa dung lượng cuốn sách là các câu chuyện thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với Bác Hồ và tình cảm, nỗi nhớ thương Bác dành cho miền Nam. Do đó, cuốn sách còn ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, yêu Bác Hồ cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, qua đó góp phần thiết thực vào việc đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bà Quỳnh Nga bày tỏ.

Tác giả, GS-TS Trình Quang Phú (giữa) tại chương trình giao lưu

Tác giả, GS-TS Trình Quang Phú (giữa) tại chương trình giao lưu

Ngoài Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng, GS-TS Trình Quang Phú còn có nhiều cuốn sách viết về Bác như: Miền Nam trong lòng Bác, Người là niềm tin, Bác Hồ ở Phan Thiết, Đường Bác Hồ đi cứu nước (đã xuất bản 17 lần), Theo Bác đi kháng chiến (đã xuất bản 8 lần).

Theo chia sẻ của GS-TS Trình Quang Phú, trong 27 năm, Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng đã in được 22 lần, nhưng đây là lần khiến ông vui nhất. Bởi đây là lần đầu tiên, cuốn sách được ra mắt vào đúng ngày sinh nhật của Bác. Những lần trước hầu hết sách được ra trước hoặc sau ngày 19-5. “Ngày hôm qua tôi vừa ở Hà Nội và đã vào Lăng viếng Bác. Còn ngày hôm nay, tôi vào TPHCM dự chương trình ra mắt sách. Tôi rất xúc động khi cuốn sách ra đúng vào ngày sinh nhật Bác”, GS-TS Trình Quang Phú chia sẻ.

GS-TS Trình Quang Phú kể, lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ là vào năm 1961. Sau Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20-12-1960 ít lâu, miền Nam cử đoàn đại biểu ra thăm miền Bắc. Đoàn có hai thành viên, gồm nhà giáo Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (Trưởng đoàn) và nhà thơ Thanh Hải.

“Lần đó, đoàn có tặng cho Bác một số tặng phẩm, trong đó có bản thảo viết tay của nhà thơ Trọng Tuyển. Ông bị thương, và trước khi hy sinh ông có một nguyện vọng là được gửi tặng Bác bản thảo tập thơ do ông tự viết tay. Hôm đó, nhà thơ Thanh Hải và GS Nguyễn Văn Hiếu đã gửi cho Bác bản thảo của nhà thơ Trọng Tuyển. Bác cầm tập thơ, ấp vào ngực mình, lặng đi một lúc. Bác đưa tay lên ngực ngay chỗ trái tim mình và nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này”. Rồi Bác xúc động nói tiếp: “Miền Nam yêu quý luôn trong trái tim tôi”. Được chứng kiến khoảnh khắc đó, tôi rất xúc động”, tác giả Trình Quang Phú bồi hồi nhớ lại.

Sau này, khi tham gia công tác ngoại giao, GS-TS Trình Quang Phú có một lần được làm việc và ăn cơm cùng với Bác. “Những lần gặp Bác, để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Từng câu chuyện nhỏ như vậy đến với tôi, và với niềm xúc động mãnh liệt, tôi đã tái hiện trong cuốn sách đầu tiên của mình là Miền Nam trong lòng Bác”, GS-TS Trình Quang Phú bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục