Ra mắt hồi ký “Nước mắt và niềm vui”

Ngày 24-3, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức buổi ra mắt hồi ký Nước mắt và niềm vui (NXB Hội Nhà văn) của Trung tá Vũ Thành Trung, viết về những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông.

Trung tá Vũ Thành Trung sinh năm 1942 tại Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận). Ông còn có tên gọi khác là Mười Trung, từng là lính của đại đội 450 thuộc chiến khu Lê Hồng Phong, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ.

Ông đã trực tiếp tham gia trận đánh Phước Long, tạo địa bàn chiến lược quan trọng trực tiếp uy hiếp phía Đông Bắc Sài Gòn. Sau ngày thống nhất đất nước, Trung tá Vũ Thành Trung công tác trong ngành công an tỉnh Sông Bé (nay được chia thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước).

Bằng trải nghiệm của một người lính trong chiến tranh lẫn hòa bình, Trung tá Vũ Thành Trung đã viết nên hồi ký Nước mắt và niềm vui, như một cách ôn lại những năm tháng không quên của mình và đồng đội, đồng thời cũng là món quà gửi đến những người trẻ hôm nay.

Trung tá Vũ Thành Trung và nhà văn Trầm Hương tại chương trình ra mắt sách

Trung tá Vũ Thành Trung và nhà văn Trầm Hương tại chương trình ra mắt sách

Ông nhớ lại: “Lúc đầu, tôi chưa có ý định viết sách nhưng rồi tôi được một số bạn bè tặng hồi ký của họ. Chính nhờ đọc những cuốn hồi ký này đã khích lệ cho tôi, suy nghĩ đến việc viết hồi ký. Cuốn sách này được viết từ tâm huyết, và tôi cũng muốn để lại cho con cháu của mình là chính, cùng với đó là thế hệ mai sau”.

Nhà văn Kim Quyên cho biết, bà đã viết và đọc khá nhiều hồi ký mà các nhân vật chiến sĩ cách mạng may mắn còn sống sót và có điều kiện kể lại cuộc sống đầy hào hùng của bản thân mình và đồng đội trên trang giấy hoặc trên các phương tiện truyền thông khiến cho bao người xúc động, hiểu rõ thêm cuộc sống của cha anh, đồng đội mình đã từng sống và chiến đấu anh dũng như thế nào.

“Đọc quyển hồi ký Nước mắt và niềm vui của Trung tá Vũ Thành Trung, tôi đã cười, đã khóc theo những chi tiết do anh kể lại trên từng trang viết bằng văn phong hết sức bình dị, chân tình”, nhà văn Kim Quyên chia sẻ.

Còn với nhà văn Hoài Hương, hồi ký Nước mắt và niềm vui của tác giả Vũ Thành Trung không trau chuốt ngôn từ mà rất chân phương, có phần giản dị trong cách kể, nhưng các câu chuyện sinh động hấp dẫn, ngồn ngộn chi tiết từ chiến tranh đến hòa bình, nhiều chi tiết có thể nói rất “độc”, nhiều tư liệu mang tính “bảo tàng” đặc biệt.

“Hy vọng, Nước mắt và niềm vui cùng những tác phẩm trong dòng hồi ký tương tự sẽ là những nguồn di sản tư liệu để lại cho các thế hệ trẻ đọc - suy nghĩ - hiểu thêm những cống hiến của ông bà cha anh các thế hệ trước - để biết ơn, để nối tiếp, sống có trách nhiệm với đất nước”, nhà văn Hoài Hương bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục