Rà soát dự án chậm không thể hoàn thành, tránh ngâm vốn, ngâm dự án

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị quận 6 rà lại trong các dự án đầu tư công chậm triển khai, nếu không có khả năng thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 thì đề xuất đưa ra khỏi danh mục trung hạn, để dành vốn ưu tiên cho các dự án cấp bách, tránh ngâm vốn, ngâm dự án, gây lãng phí.

Sáng 14-4, HĐND TPHCM tổ chức giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn quận 6.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị quận 6 rà lại trong các dự án đầu tư công chậm triển khai. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị quận 6 rà lại trong các dự án đầu tư công chậm triển khai. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước khi diễn ra buổi giám sát, trưởng đoàn giám sát là đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM đã cùng đoàn dự lễ khánh thành trường chuyên biệt Hy Vọng và khảo sát thực tế tại dự án kênh Hàng Bàng. Dự án trường chuyên biệt đã kéo dài suốt 18 năm qua, nay mới khánh thành đưa vào sử dụng. Còn dự án bồi thường giải phóng mặt bằng kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 hiện vẫn còn 88/344 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng.

Sau khảo sát thực tế, ĐB Nguyễn Văn Đạt đề nghị quận 6 quan tâm bảo đảm môi trường ở những đoạn kênh đã hoàn thành, tránh tình trạng quá nhếch nhác, rác thải bừa bãi như hiện nay. Đồng tình ý kiến này, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho rằng sự nhếch nhác này cũng có phần trách nhiệm thiếu quan tâm của quận 6.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn giám sát dự án kênh Hàng Bàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn giám sát dự án kênh Hàng Bàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong khi đó, ĐB Cao Thanh Bình đề cập dự án cầu đường Bình Tiên qua 3 nhiệm kỳ vẫn còn nằm trên giấy, trong khi đây là dự án rất có ý nghĩa với sự phát triển của địa phương và cả khu vực. ĐB kiến nghị nghiên cứu theo hướng đầu tư công từ ngân sách.

ĐB Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cho biết, ưu tiên hàng đầu của quận là các dự án không có bồi thường, tập trung tối đa. Quận 6 đạt 307 phòng học/vạn dân, đã vượt chỉ tiêu (300 phòng) nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và phải tiếp tục nỗ lực.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ ghi nhận nỗ lực lớn của quận 6 trong giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, năm 2021, quận 6 giải ngân đạt 97,84%. Năm 2022, quận giải ngân đạt 99,6%. Quý 1-2023, quận đã giải ngân đạt 23,36%, phấn đấu đến tháng 6 sẽ đạt trên 50% và cả năm đạt trên 95%. Các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị quận 6 quan tâm đến các dự án chậm tiến độ, chủ động phối hợp với sở ngành để tháo gỡ vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Với các dự án chưa được bố trí vốn, đồng chí yêu cầu quận rà soát cụ thể, ưu tiên đề xuất bố trí vốn những dự án cấp bách có thể hoàn thành trong giai đoạn này. Các dự án không có khả năng thực hiện trong giai đoạn này thì xem xét đưa ra khỏi danh sách để không bị “ngâm vốn”, “ngâm dự án” gây lãng phí.

Đồng chí cũng đề nghị quận 6 rà soát, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các công trình đã đưa vào sử dụng, về chất lượng công trình để xử lý sai phạm nếu có, khắc phục được tình trạng thanh quyết toán công trình trễ hạn, để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Giai đoạn 2021-2026, quận 6 được HĐND TPHCM và UBND TPHCM giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 73 dự án với tổng kế hoạch vốn hơn 448 tỷ đồng. Trong số này, 32 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 8 dự án đang lập thủ tục nghiệm thu, 24 dự án đang thực hiện theo tiến độ.

Tuy nhiên, vẫn còn 17 dự án kéo dài với nguyên nhân chủ yếu do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm. Quận 6 kiến nghị UBND TPHCM sớm xem xét ủy quyền cho các quận quyết định đầu tư các dự án nhóm C, ủy quyền cho quận được điều chỉnh đầu tư đối với các dự án đã được UBND quận quyết định đầu tư.

Quận 6 cũng kiến nghị HĐND TPHCM xem xét chấp thuận, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 17 dự án chưa được bố trí kế hoạch trung hạn, với nhu cầu vốn là hơn 149 tỷ đồng. Trong đó, dự án sửa chữa, cải tạo trường Tiểu học Nhật Tảo cần được bố trí gần 15 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục