
Chậm phát hiện các rối loạn chức năng thính giác của trẻ em sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho việc phát triển trí tuệ của bé sau này, vì thế các bậc cha mẹ cần quan tâm để sớm phát hiện các tật của cơ quan thính giác ở con em mình.
- Những dấu hiệu báo động

Trắc nghiệm rối loạn thính giác ở trẻ em.
- Với bé sơ sinh: Từ 2-3 tháng, bé có thể quay đầu để nghe người ta nói, gọi; môi mấp máy phát ra âm thanh một cách tự nhiên. Từ 3 tháng trở đi, bé biết cười và đến một tuổi, bé biết bập bẹ những tiếng nói đầu đời. Tất cả những biểu hiện sai lệch với quy trình trên cần được quan tâm vì các rối loạn thính giác hoặc điếc bẩm sinh sẽ dẫn đến các rối loạn ngôn ngữ và sự phát triển trí tuệ của bé.
- Tuổi mẫu giáo: Ở lứa tuổi bắt đầu nhận biết, khám phá và vui chơi, trẻ em bị rối loạn thính giác sẽ bị cô lập. Bé bắt đầu quấy rầy bằng những trò chơi ồn ào.
- Tuổi đến trường: Bé tiến bộ chậm trong nhận biết các chương trình học và đạt kết quả kém trong học tập. Sự rối loạn thính giác dạng nhẹ (nghễnh ngãng) dễ kéo theo việc học kém.
Nguồn gốc các rối loạn
- Điếc do tri giác: Thường gặp ở tai trong (ốc tai, dây thần kinh thính giác), có thể do mắc phải những bệnh di truyền hay do người mẹ khi mang thai mắc phải những bệnh như đậu mùa, nhiễm virus Cytomégalo. Điếc trong trường hợp này có thể do người mẹ sinh khó làm bé thiếu oxy hoặc do một yếu tố xảy đến trong những tuần đầu tiên bé chào đời như tác dụng phụ của thuốc trị bệnh lên hệ thính giác, màng não…
- Điếc do dẫn truyền luồng thần kinh: Điều này liên quan đến chức năng tai ngoài (vành tai, loa vòi Eustache) hay tai giữa (màng nhĩ). Điếc trong trường hợp này thường do các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em như viêm tai tái phát hay viêm tai tiết dịch không được điều trị đúng mức, từ đó dẫn đến giảm thiểu thính lực.
- Xét nghiệm phát hiện rối loạn thính giác
Tùy theo tuổi của các bé mà có phương pháp phù hợp. Từ 6 tháng, người ta cho bé nghe một chuỗi âm thanh phát ra từ các đồ chơi và theo dõi phản ứng của bé. Sau 3 tuổi, cho bé xem phim hoạt hình và yêu cầu bé điều khiển một nút khi nghe được một âm thanh. Các phương pháp này nhằm:
- Đo lường khả năng thính giác: Thầy thuốc sẽ đặt các điện cực trên tóc để đo lường các hoạt động điện của các luồng dẫn truyền thần kinh thính giác lên não.
- Đo điện trở biểu kiến (Impédancemétrie): Thí nghiệm này bao gồm việc đặt trong đường dẫn truyền thính giác một đầu nối liên kết 3 ống nhỏ, nối với một máy ghi để nghiên cứu và đo lường sự mềm dẻo của màng nhĩ.
(Theo Femme Actuelle)
THẾ NGỌC