Rộn ràng sách cho Ngày Gia đình

Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) là một ngày tôn vinh mái ấm gia đình, nhiều hoạt động dịp này hướng các thành viên trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những cặp vợ chồng hiểu được giá trị của mái ấm. Thị trường sách năm nay hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, đề cập đến những nội dung trên, khá phong phú và đa dạng.
Trẻ em chọn sách tại Đường sách TPHCM
Trẻ em chọn sách tại Đường sách TPHCM
Xây dựng tình yêu gia đình từ trẻ nhỏ
Thiếu nhi, vừa được xem là tác nhân quan trọng gắn kết gia đình, vừa được xem là tương lai xây dựng gia đình hạnh phúc. Có lẽ cũng vì vậy, nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, các đầu sách xây dựng gia đình nhắm vào đối tượng độc giả nhỏ tuổi này chiếm vị trí quan trọng nhất.
NXB Trẻ giới thiệu cuốn Dạy con gọi tên cảm xúc của tác giả Lê Thanh Hải - Tiến sĩ ngành Triết và Xã hội học tại Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, hiện đang sống ở Anh.
Cuốn sách được thực hiện dựa trên một quan điểm xuyên suốt: Dạy con - yêu thôi chưa đủ, còn phải yêu đúng cách. Nội dung sách tập hợp những kiến thức, kinh nghiệm dạy con phát triển các trí tuệ cảm xúc, theo triết lý giáo dục, lấy bộ ba IQ - CQ - EQ (Trí thông minh - Trí thông minh sáng tạo - Trí thông minh cảm xúc) làm tiêu chí đánh giá sự phát triển của con người. 
Theo tác giả, việc thực hiện cuốn sách này nhằm hỗ trợ, giải quyết một điểm yếu của trẻ em Việt Nam hiện nay là khả năng giao tiếp, ứng xử. Việc chậm xây dựng một nền tảng linh hoạt trong kỹ năng ứng xử sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các em khi tìm việc làm sau này, nhất là trong môi trường cần nhiều giao tiếp, một đặc thù của nền kinh tế kết nối như hiện nay. Tác giả lấy ví dụ bài kiểm tra của tập đoàn công nghệ Google.
Công ty phần mềm này không đòi hỏi ứng viên về khả năng viết dòng lệnh máy tính ra sao, mà muốn ứng cử viên đưa ra giải pháp trong trường hợp bị biến thành người tí hon và lọt vào bên trong chiếc máy xay sinh tố chuẩn bị vận hành. Đây rõ ràng là điều mà thế hệ cha mẹ thậm chí chưa bao giờ biết đến để dạy con mình và có lẽ ngay cả trường học cũng không nghĩ đến. 
Cũng hướng đến cảm xúc của những đứa trẻ trong gia đình nhưng Thư gửi con - Bao giờ cho hết yêu thương (NXB Văn hóa Văn nghệ) lại đi theo một hướng khác. Tác phẩm của hai bác sĩ Vũ Minh Đức và Trần Thị Hồng An đi tìm lời giải cho câu hỏi vốn dĩ rất khó có câu trả lời thỏa đáng: Ba mẹ yêu con như thế nào? Cuốn sách gồm 30 bài viết dưới dạng những lá thư gửi cho con với nội dung rất đa dạng, có khi là những câu chuyện ở trường và ở nhà, có lúc chỉ là việc bố đi làm về trễ, để con lo lắng…
Những câu chuyện đơn giản, bình dị, có thể diễn ra ở mọi gia đình nhưng nếu không thể hiện ra trên trang giấy, sẽ rất dễ bị quên đi. Bác sĩ Vũ Minh Đức là một cây bút khá quen thuộc, từng viết sách (Sài Gòn, chữ vội trên vai). Khi thực hiện cuốn sách này, không thể thiếu những lá thư của người mẹ nên anh đã nhờ người bạn đồng nghiệp, cũng là một bác sĩ, một người mẹ hỗ trợ viết phần thư của mẹ. 
Hai tác giả trên đều là những cây bút không chuyên, văn chương không trau chuốt, đôi khi lại bị ảnh hưởng theo phong cách chi tiết, rành mạch của nghề y nhưng cũng vì vậy, các bài viết lại chứa đựng nhiều cảm xúc cá nhân, mang đến người đọc cảm xúc yêu thương của cha, mẹ với những đứa con.
…và từ phụ huynh
Nếu con cái là tác nhân gắn kết thì cha mẹ lại là những người quyết định hạnh phúc gia đình. Một điều khá lý thú là Ngày Gia đình Việt Nam năm nay đúng vào dịp người hâm mộ bóng đá thế giới đang thưởng thức ngày hội World Cup. Chính vì vậy, cuốn sách Tự thú của bà mẹ mê bóng đá (NXB Kim Đồng) được đánh giá là cuốn sách đáp ứng cả hai tiêu chí: bóng đá và gia đình. Tác giả của sách Yudi Nguyễn Bích Trâm - một bà mẹ trẻ là fan cuồng bóng đá. Thế nhưng, khác với một vài fan cuồng khác, bỏ mặc tất cả để chạy theo niềm đam mê riêng, bà mẹ trẻ này đã khéo léo biến niềm đam mê của mình thành chất xúc tác, kết nối cả gia đình. Cô đã biến các buổi xem bóng đá thành dịp để vui chơi, dạy các kỹ năng sống, giao tiếp xã hội… 
Không mang tính thời sự nhưng lại chứa đựng một vấn đề nóng, Cha mẹ vừa đủ tốt của NXB Trẻ đề cập đến một vấn đề rất dễ gây tranh cãi: Liệu điều tốt nhất mà cha mẹ đem đến cho con có thật sự hữu ích? Cuốn sách có hai đồng tác giả là Tiến sĩ - bác sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Phi Yến và chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Trần Ngọc Bảo Khanh. Sách về cơ bản cho rằng, không phải làm mọi thứ cho con là đã ổn thỏa, điều quan trọng nhất của một đứa trẻ là cảm giác gắn bó an toàn, tinh thần học hỏi và phát triển, khả năng thấu cảm. Cố gắng đảm bảo những điều đó, cùng những cung cấp cơ bản về vật chất, con bạn sẽ lớn lên vững vàng. Ngược lại, dù làm rất nhiều điều cho con nhưng nếu trẻ cảm nhận gắn bó không an toàn, trẻ sẽ không có được bình an nội tâm, không thấy được sự thấu hiểu, khó bình tĩnh được trong những tình huống thử thách và tất cả những điều này ngăn trở bộ não của trẻ tự tổ chức để phát triển theo hướng tốt nhất.
Do Ngày Gia đình Việt Nam gần với Ngày của cha nên dịp này, NXB Kim Đồng cũng đã giới thiệu một loạt bộ sách tranh về chủ đề người cha gồm: Cha cõng con (lấy theo tên bộ phim của đạo diễn Lương Đình Dũng), Tình yêu của bố, Bàn tay của bố, Vì sao tớ yêu bố… Điều đặc biệt là ở tác phẩm Tình yêu của bố đã phản ánh cuộc sống của chính tác giả, là một họa sĩ thường làm việc ở nhà và kiêm luôn chức trách chăm con. Chính vì thế, tác phẩm được đánh giá là gần gũi, thân thiết, hình ảnh lưu giữ những khoảnh khắc đời thường bé nhỏ, những rung cảm của tình phụ tử…

Tin cùng chuyên mục