Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa mới đây đã lên tiếng rằng Lisbon đang cần thêm nhiều người nhập cư nữa và sẽ không chấp nhận bất cứ ý kiến nào có tư tưởng bài xích người nhập cư.
Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia đầu tiên tình nguyện nhận một phần trong số hàng trăm người di cư trên thuyền cứu hộ của Mission Lifeline, một tổ chức phi chính phủ đăng ký ở Đức. Trong khi đó, một số quốc gia khác trong khu vực như Italia liên tục từ chối những tàu này được cập cảng.
Trong định hướng chính trị của Thủ tướng Costa, vấn nạn sụt giảm dân số nhanh chóng ở Bồ Đào Nha là một trong những vấn đề cần giải quyết nhanh, bởi đây sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm mà cử tri nước này quan tâm trong cuộc bầu cử vào năm sau.
Theo thống kê của Chính phủ Bồ Đào Nha, mỗi năm nước này cần thêm 75.000 công dân mới để đảm bảo nguồn lao động ổn định hiện đang ở mức 10,4 triệu người. Trong cuộc khủng hoảng kéo dài 3 năm kể từ năm 2011, hơn 300.000 người Bồ Đào Nha đã rời đất nước đi tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, phần lớn trong số họ là những cử nhân mới tốt nghiệp đại học. Tới năm 2017, nhờ một số chính sách mà số lượng người nhập cư vào Bồ Đào Nha lần đầu tiên cao hơn số lượng người di cư khỏi đất nước trong 6 năm kể từ cuộc khủng hoảng xảy ra.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã có những động thái nhằm trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn với người nhập cư. Bên cạnh việc ban hành hàng loạt quy định mới nhằm đơn giản hóa thủ tục xin thị thực cho sinh viên, học sinh hoặc những người muốn khởi nghiệp, cơ quan chức năng có những phương án để thúc đẩy cấp phép cho 30.000 người nhập cư hợp pháp có quyền được lao động và làm việc.
Năm ngoái, Chính phủ Bồ Đào Nha đã cấp phép nhập cư cho 61.400 công dân mới, tăng 31% so với năm 2016. Kinh tế Bồ Đào Nha đã có những bước chuyển mình tích cực sau thời gian chìm sâu vào khủng hoảng. Quốc gia này bắt đầu vào đà tăng trưởng trở lại nhờ sự bùng nổ trong các hoạt động du lịch và xuất khẩu. Sự bùng nổ của ngành du lịch Bồ Đào Nha đã và đang biến ngành công nghiệp này trở thành một trong những lĩnh vực có mức đóng góp lớn nhất vào nền kinh tế quốc dân, thu hút gần 1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Tăng trưởng nhanh hơn giúp Chính phủ Bồ Đào Nha kiểm soát được thâm hụt ngân sách, mà cụ thể nhất năm 2016, tỷ lệ thâm hụt trên tổng sản phẩm quốc nội đã rơi xuống mức thấp nhất của 4 thập kỷ trở lại đây.
Từ cuối tháng 6, theo thỏa thuận giữa các quốc gia châu Âu, người di cư được giải cứu trên các đại dương sẽ được các quốc gia thành viên nhận về. Bồ Đào Nha tích cực tham gia vào các chương trình nhận người di cư do Ủy ban châu Âu phát động, với mục tiêu có thể đưa 50.000 người tị nạn tới các quốc gia thành viên trong vòng 2 năm tới.
Trước thái độ cởi mở với người nhập cư của Bồ Đào Nha, giới chuyên gia khuyến cáo Chính phủ Bồ Đào Nha cần chú trọng đến việc thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng phát triển. Để làm được điều này, Bồ Đào Nha cần bổ sung thêm những chính sách dành cho người nhập cư hấp dẫn hơn và nhiều ưu đãi hơn.