Rộng đường đưa phim đặt hàng ra rạp

Nhiều năm qua, ngoài phim Hoa vàng trên cỏ xanh chiếm lĩnh các rạp chiếu ngay từ những ngày đầu ra mắt thì phần lớn những phim “đặt hàng” đều lặp đi lặp lại điệp khúc “ra mắt rồi cất kho”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
untitled-3-7498.jpg

Tiền đầu tư làm phim không nhỏ, công sức của người làm nghề bỏ ra cũng không nhỏ nhưng dấu ấn của phim đặt hàng trong lòng công chúng lại mờ nhạt. Một trong những nguyên nhân được nhiều người chỉ ra là do thiếu kinh phí cho việc quảng bá, phát hành… nên phim có tốt cũng chỉ là “áo gấm đi đêm”.

Năm 2023 vừa qua, cùng lúc có 3 phim đặt hàng được hoàn thành gồm: Đào, phở và piano - bộ phim về cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946-1947 tại Hà Nội; Hồng Hà nữ sĩ, về lịch sử danh nhân văn hóa Đoàn Thị Điểm; Phơi sáng của Hãng phim Giải Phóng, có đề tài phòng chống tham nhũng, một vấn đề rất “nóng”. Thế nhưng, vòng tròn luẩn quẩn chiếu ra mắt, đem dự thi liên hoan phim, lâu dài hơn là đem chiếu trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm trong và ngoài nước, hoặc gửi về các tỉnh, thành để phát hành, phổ biến… lại lặp lại.

Chia sẻ về trăn trở này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhìn nhận, đưa phim ra rạp đang là vấn đề của phim Nhà nước đặt hàng, bởi hiện chỉ có kinh phí để sản xuất phim, chứ không có kinh phí để phát hành, phổ biến. Để tháo gỡ, hiện cục đã xây dựng một đề án thí điểm, dự kiến sẽ thực hiện trong hai năm 2024-2025. Nếu được phê duyệt, sẽ cố gắng triển khai ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Theo đó, sẽ giao Trung tâm Chiếu phim quốc gia tổ chức phát hành, phổ biến, 100% doanh thu sẽ nộp cho Nhà nước. Đề án thực thi sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn do không có kinh phí phát hành cho phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Nếu đề án thí điểm này được duyệt, cơ chế để phim đặt hàng ra rạp có thể sẽ được tháo gỡ, nhưng một trong những trở ngại lớn hơn là phim có được khán giả đón nhận rộng rãi hay không lại là một câu chuyện khác. Đã đến lúc cần phải có một cách tiếp cận mới hơn, hiệu quả hơn để nguồn vốn đầu tư của Nhà nước dành cho làm phim điện ảnh thực sự là động lực cho người sáng tạo, kích thích sự phát triển của công nghiệp điện ảnh.

Tin cùng chuyên mục