Rước họa “thần dược” giới học đường

Vụ gần 20 học sinh nghi ngộ độc do dùng thuốc Recotus quá liều ở Trường THCS Bình An (quận 2, TPHCM) vừa qua đã dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng các ‘thần dược” ở giới học sinh. Không chỉ thuốc gây nghiện, nhiều loại thuốc an thần, thuốc tăng kích thích thần kinh được giới học sinh truyền tai nhau để uống với ngộ nhận là tăng trí nhớ, tăng khả năng tiếp thu, không sợ cô giáo gọi trả bài…
Rước họa “thần dược” giới học đường

Vụ gần 20 học sinh nghi ngộ độc do dùng thuốc Recotus quá liều ở Trường THCS Bình An (quận 2, TPHCM) vừa qua đã dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng các ‘thần dược” ở giới học sinh. Không chỉ thuốc gây nghiện, nhiều loại thuốc an thần, thuốc tăng kích thích thần kinh được giới học sinh truyền tai nhau để uống với ngộ nhận là tăng trí nhớ, tăng khả năng tiếp thu, không sợ cô giáo gọi trả bài…

Vô tư uống “thần dược”

Những ngày qua, không ít học sinh của một số trường trung học tại TPHCM xì xào về “thần dược” Recotus. Nhiều học sinh truyền tai nhau đó như là một phương thuốc diệu kỳ để đối phó với việc học tập.

Các học sinh ngộ độc thuốc Recotus được điều trị tại BV Quận 2, TPHCM vừa qua.
Các học sinh ngộ độc thuốc Recotus được điều trị tại BV Quận 2, TPHCM vừa qua.

Qua điều tra vụ gần 20 học sinh Trường THCS Bình An (quận 2) dùng Recotus quá liều, một số bạn quả quyết có cảm giác rất “phê” nên thường rủ nhau uống, có cảm giác buồn ngủ, lơ mơ để cô giáo cho lên phòng y tế chăm sóc, đồng nghĩa được nghỉ học.

Theo bác sĩ Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ - TPHCM, Recotus ở liều điều trị cao nhất là 4 viên/ngày, sau 6 giờ uống 1 viên và sử dụng dưới 7 ngày thì tác dụng chống ho của Recotus phát huy tốt. Nếu liều dùng quá 12 lần có thể gây ảo giác và đây chính là một trong những lý do học sinh, thanh niên hay sử dụng để “phê”… Việc lạm dụng thuốc Recotus lâu dài cũng nguy hiểm và dẫn đến nghiện thuốc như sử dụng ma túy…

Không chỉ Recotus, thời gian qua, không ít học sinh đã sử dụng thuốc trị bệnh Alzheimer và Parkinson hoặc thuốc bổ, viên nang dưỡng não nhằm tăng trí nhớ bất chấp khuyến cáo việc lạm dụng thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ khó lường…

Dạo qua một số nhà thuốc ở trung tâm quận 1, quận 3, Bình Thạnh, cho thấy nhiều nhà thuốc vô tư bán các loại thuốc có khả năng tăng trí nhớ như Glutaminol B6, Pho-L, Hoạt huyết dưỡng não… Hay các loại thuốc nguồn gốc thảo dược như Ginkgo Biloba với các tên biệt dược Takan, Tanakan, Superkan… cũng được bán vô tư với giá rất mềm, từ 2.000 đồng/viên đến 10.000 đồng/viên.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TPHCM, điều tra bệnh sử một số học sinh nhập viện gần đây còn cho thấy các em còn uống cả các loại thuốc hỗ trợ thần kinh cao cấp bán theo toa như: Piracetam, Arcaliotin, Citicholin, Piracetam, Duxil…

Qua điều trị, một số bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết đã gặp phải không ít trường hợp học sinh sử dụng các loại thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện dẫn đến hệ quả là rối loạn hưng phấn, rối loạn hành vi. Trong đó, nhiều em trở nên hoang tưởng khi luôn cho rằng mình là thần đồng, đòi uống các loại thuốc kích thích để thông minh hơn người.

Chẳng hạn gần đây, Bệnh viện Tâm thần tiếp nhận học sinh tên N.T.T. (học lớp 10) trong tình trạng rối loạn cảm giác, rối loạn thần kinh. Khi làm xét nghiệm cho T., các bác sĩ giật mình khi biết em dương tính với thuốc Amphetamine, loại ma túy kích thích thần kinh bị cấm.

Theo các bác sĩ điều trị, có tới 66% những người lạm dụng Amphetamine đều có thể bị chứng rối loạn tâm thần: mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi. Tương tự, hồ sơ bệnh án Bệnh viện Tâm thần TPHCM cũng từng ghi nhận một nữ sinh tên N.T.H. (học lớp 12, ngụ quận 9, TPHCM) cấp cứu vì “trúng độc” thuốc Ritalin.

Theo Bệnh viện Tâm thần TPHCM, thuốc Ritalin chỉ được điều trị cho bệnh nhân có chứng gia tăng hành vi, rối loạn tập trung chú ý. Nếu coi đây như một liệu pháp giúp tăng trí nhớ thì rất nguy hiểm vì nó có thể gây  đột tử.

Cần kiểm soát khâu bán lẻ

Trong vai người nhà đi lùng mua “thần dược” cho học sinh, chúng tôi dễ dàng được các quầy thuốc giới thiệu mua hàng chục loại thuốc hướng thần mà không cần toa bác sĩ. Tại các “phố thuốc” Hai Bà Trưng (quận 1), chợ tân dược Tô Hiến Thành, Codupha (quận 10), chúng tôi được nhiều dược sĩ giới thiệu thuốc bổ thần kinh ngoại nhập như: Tanakan, Duxil, Nootropyl, hay thuốc Pho-L nhập từ Hàn Quốc… Tuy nhiên, khi xem kỹ hướng dẫn sử dụng, các loại thuốc này được khuyến cáo chỉ dành điều trị bệnh suy giảm trí nhớ ở người già hoặc những bệnh nhân bị chấn thương sọ não!

Theo PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược học bệnh viện-TPHCM, việc học sinh tùy tiện uống các thuốc bổ, thuốc kích thích thần kinh vô tội vạ, không có đơn của bác sĩ sẽ có tác dụng ngược, tác hại rất lớn. Nguy hiểm hơn, nếu dùng lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận. Thậm chí dẫn đến tâm thần, không kiểm soát được hành vi.

Tâm lý học sinh là tâm lý đám đông, hay a dua nên thường có tính lôi kéo, dẫn đến tình trạng nhiều học sinh đua nhau uống mà không biết tác hại là gì.

Trong nhiều tài liệu công bố của mình, TS-DS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TPHCM, từng cảnh báo một số loại thuốc tăng cường hoạt động trí não, chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hoặc ở người chấn thương sọ não, không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho học sinh. Nếu lạm dụng, nó lại gây ra tác dụng không mong muốn rất tai hại như gây buồn ngủ và gây ra triệu chứng... quên.

Nhiều chất “ma túy” ngày nay vẫn đang được ngành y tế sử dụng để làm thuốc trị bệnh và được dùng ở liều lượng thích hợp trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của thầy thuốc. Nhiều loại thuốc giảm đau như morphin, heroin rất cần thiết cho bệnh nhân ung thư đang đau đớn. Chính vì vậy, theo bác sĩ Lê Đức Thọ, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Cần phát hiện sớm các em sử dụng các loại thuốc không rõ ràng để can ngăn và can thiệp y tế.

Về góc độ chuyên môn, PGS-TS Trương Văn Tuấn, đề nghị cần phải quản lý chặt chẽ nguyên liệu sản xuất, quy chế kê đơn cũng như quy chế kinh doanh dược phẩm. Ngành giáo dục và y tế cần phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhà trường về mức độ nguy hại của các thuốc kích thích, giám sát chặt các nhà thuốc trong việc bán thuốc cho học sinh. “Nếu thuốc kê đơn thì phải kiên quyết bán theo đơn. Thuốc hướng thần thì phải bán đúng quy chế thuốc hướng thần”, PGS Trương Văn Tuấn nói.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc dùng các loại thuốc kích thích thần kinh lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây ra tai biến. Trong thực tế, nhiều loại thuốc chữa bệnh đều có chứa một hàm lượng nhỏ các hoạt chất mà nếu dùng quá liều hoặc lạm dụng với mục đích không phải chữa bệnh đều có thể gây độc hoặc gây nghiện.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục