Rước lễ Kỳ Yên

Khác với miền Bắc, sau tết là mùa lễ hội, mỗi địa phương lại có một đặc trưng; gần như khắp các tỉnh thành ở đất Nam bộ, nổi bật với lễ Kỳ Yên vào khoảng rằm tháng Hai hoặc tháng Ba âm lịch. 

Tuy không diễn ra định kỳ mỗi năm, khoảng 2-3 năm mới linh đình một lần, nhưng đình làng với lễ Kỳ Yên gần như là một nét văn hóa đẹp không thể thiếu trong đời sống của người dân phương Nam.

Nhìn mâm xôi dâng cúng thần là đoán được gia đình làm nông, cầu mong một mùa bội thu; cúng heo quay thường là dân buôn bán, mần ăn lớn; số đông còn lại cúng mâm trái cây, bánh trái… Lễ Kỳ Yên diễn ra trong khoảng 3 ngày với nhiều phong tục dâng cúng Thành Hoàng và đặc sắc nhất trong đó có thể kể đến phần xây chầu hát bội, thu hút người dân trong xóm, trong ấp tới xem với những tuồng cổ nằm lòng nhiều thế hệ như Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Phụng Nghi Đình

Rước lễ Kỳ Yên ảnh 1 Một cảnh hát bội trong lễ Kỳ Yên ở Nam bộ
Nghệ sĩ trong vai những “ông hoàng”, “bà chúa” với cái liếc mắt sắc lẻm, điệu bộ oai phong, dứt khoát… Hát bội tuồng cổ đã từng một thời “làm mưa làm gió” với nhiều gánh hát có mặt khắp Nam bộ. Sự xoay vần của xã hội, thị hiếu của khán giả mỗi thời cũng mỗi khác, sân khấu hát bội cứ thu hẹp dần và hiện nay chỉ còn được nhắc nhiều ở mỗi dịp lễ Kỳ Yên.

Đình làng ở Nam bộ chủ yếu thờ thần hay còn gọi là Thành Hoàng, để tưởng nhớ tiền nhân khai hoang lập ấp. Cứ thế mà từ thế hệ cha ông sang thế hệ con cháu ở đất Nam bộ, đình làng trở thành một biểu tượng tôn kính trong tín ngưỡng và một nét văn hóa đẹp truyền từ đời này sang đời khác. Ở sân đình, gặp nhau người trẻ cúi chào người lớn, ai nấy tay bắt mặt mừng, niềm nở bước vào bên trong dâng lễ cúng thần... Và cũng dưới mái đình, phụ huynh dạy con cái cách cúi đầu lạy thần, đi nhẹ nói khẽ nơi tôn nghiêm. Sau phần lễ bái, cả xóm ai nấy phụ một tay một chân để đem phần lễ vật cúng thần, dọn sẵn ra mâm để bà con đi lễ cùng ngồi lại, chút ít bánh trái chia nhỏ làm quà cho sắp nhỏ và lộc lấy hên cho mỗi nhà. Xong 3 ngày Kỳ Yên, ai về nhà nấy vào guồng quay công việc, chỉ còn ông “từ” ở lại đình trông coi việc nhang khói.

Xã hội hiện đại cùng sự kết nối đa chiều, đa văn hóa, người ta dễ bị lãng quên những phong tục xưa cũ. Chưa kể câu chuyện mê tín dị đoan ở một số đền chùa được báo chí phản ánh trong thời gian qua, khiến không ít người ái ngại trước chuyện khói nhang, cúng tế… Nhưng lễ Kỳ Yên, đình làng Nam bộ lại khác, đó là nét đẹp cần giữ gìn và phát huy hơn nữa. Khi người ta biết cúi đầu tưởng nhớ tiền nhân, dâng mâm cúng bậc Thành Hoàng có công khai hoang mở cõi thì đó không chỉ là câu chuyện tín ngưỡng của đời sống tinh thần mà đó là một đạo lý của dân tộc biết “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Tin cùng chuyên mục