Rút dần những khoản đầu tư không hiệu quả

Phản hồi về việc đầu tư ngoài ngành và kinh doanh kém hiệu quả theo nhận định của Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010, ngày 19-7, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, thực trạng này đã được nhìn nhận và đang tiến hành hoàn thiện cũng như thoái vốn khỏi những lĩnh vực kém hiệu quả để tập trung vào những lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính.

Phản hồi về việc đầu tư ngoài ngành và kinh doanh kém hiệu quả theo nhận định của Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010, ngày 19-7, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, thực trạng này đã được nhìn nhận và đang tiến hành hoàn thiện cũng như thoái vốn khỏi những lĩnh vực kém hiệu quả để tập trung vào những lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Phan Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) cho biết, về cơ bản, những hạn chế mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra có nhiều điểm đúng. DATC đã nhận được kết quả kiểm toán từ đầu năm và hiện doanh nghiệp đã có báo cáo toàn diện về những hạn chế này lên Bộ Tài chính và đang chờ kết luận xử lý từ phía Bộ Tài chính dự kiến sẽ đưa ra trong khoảng cuối tháng 7 và doanh nghiệp này sẽ nghiêm túc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm những người có liên quan.
 
Xung quanh vấn đề đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả, bản kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không đề cập đến việc xử lý trách nhiệm của việc doanh nghiệp đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, đầu tư ra ngoài của các tập đoàn, tổng công ty chiếm khoảng 4% - 12% vốn điều lệ, trong đó có một số khoản đầu tư vào bất động sản và chứng khoán và thời gian qua tình hình các thị trường này có một số bất lợi nên dẫn đến hiệu quả kinh doanh lỗ, hiệu quả không cao.

Cính vì vậy, theo quan điểm của ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cần xem xét lại thoái vốn đầu tư để sao cho hoạt động có hiệu quả. Điều này cũng đã được thể hiện trong việc tái cơ cấu nền kinh tế khi Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải thoái các khoản đầu tư ra ngoài ngành và hoàn thành vào năm 2015. Pháp luật không cấm việc đầu tư vào những ngành nhạy cảm nên trình tự thực hiện đúng và những khoản đầu tư đang có lời cũng phải hoan nghênh. Còn những khoản đầu tư ra ngoài gây thiệt hại, lỗ mà trình tự thủ tục đầu tư trái quy định phải có đánh giá và xem xét trách nhiệm.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, đến nay quy định pháp luật không cấm cũng như đã giao quyền tự chủ cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc đầu tư. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều đơn vị đầu tư tràn lan, vào các lĩnh vực nhiều rủi ro, nảy sinh nhiều sai phạm như hiện nay, kiểm toán cũng đã đề xuất với cơ quan chức năng và bản thân doanh nghiệp rút dần các khoản đầu tư nêu trên, tập trung nguồn lực, đội ngũ quản lý cho ngành nghề chính.

Không nằm trong danh sách kiểm toán vừa được công bố nhưng theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVN đã có kế hoạch tái cấu trúc còn 14 doanh nghiệp cấp hai. Trên cơ sở tái cấu trúc, các doanh nghiệp cấp hai này sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp và thoái vốn tại các doanh nghiệp cấp ba. Lộ trình thoái vốn được PVN thực hiện từ nay tới 2015 nên việc thoái vốn lúc nào, thời điểm ra sao còn phải căn cứ vào tình hình thị trường.

Còn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trước khoản lỗ trong kinh doanh lĩnh vực viễn thông, hiện nay EVN đã bàn giao nguyên trạng EVN Telecom sang Viettel quản lý. Trong lĩnh vực ngân hàng, EVN đang làm việc với các đối tác để bán bớt phần vốn tại Ngân hàng An Bình.

Còn theo Tập đoàn Bảo Việt, trong năm 2012 và các năm tới, tập đoàn này sẽ thực hiện chiến lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua tăng cường công tác quản lý rủi ro đầu tư toàn tập đoàn; tăng cường hoạt động phát triển thương hiệu; triển khai phát triển các sản phẩm dịch vụ mới đa dạng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng...

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục