Sau một tuần tăng lãi suất, tình hình vốn ở các ngân hàng có nhiều biến động. Do các ngân hàng chỉ tập trung cạnh tranh lãi suất tiền đồng nên khách hàng có xu hướng rút đô la chuyển sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao. Còn đối với người vay, cửa vẫn… đóng!
Cuộc so kè lãi suất
Nhận định về tình hình lãi suất hiện nay, ông Lưu Đức Khánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBANK)cho biết: “Mặt bằng lãi suất chung sẽ dao động ở mức từ 13,5% – 15%, tùy thuộc vào chiến lược của các ngân hàng là nhằm vào lợi ích trước mắt hay lâu dài. Song song với việc tăng lãi suất, ABBANK đã tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi “Trở thành tỷ phú chỉ với 1 triệu đồng” đến 7-8-2008.
Khách hàng chỉ cần gửi từ 1 triệu đồng hoặc 50 USD trở lên sẽ được nhận một mã số dự thưởng để tham gia chương trình quay số trúng thưởng. Nhờ vậy, chỉ sau 7 ngày thực hiện chương trình, ABBANK đã huy động được hơn 150 tỷ đồng. Ngoài việc dự thưởng, nhiều ngân hàng tập trung nâng lãi suất ở kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng để đáp ứng tâm lý muốn gởi ngắn hạn của khách hàng (vì kỳ hạn 1 - 3 tháng được nhiều khách hàng lựa chọn nhất).
Chẳng hạn, Ngân hàng Quốc tế (VIBank) còn áp dụng lãi suất cho kỳ hạn gửi 1-6 ngày với mức lãi suất 3,6%/năm; kỳ gửi 7-13 ngày, mức 9,36%/năm và 14-21 ngày là 9,6%/năm. Đại diện VIBank cho biết, trước đây, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 2 tháng nếu rút trước sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn. Còn hiện nay rút trước thời hạn khách hàng vẫn được tính lãi suất linh hoạt theo ngày gửi, hưởng trọn lãi suất theo thời gian thực gửi. Trong khi lãi suất tiền đồng được các ngân hàng cạnh tranh với nhiều loại hình thu hút khách hàng thì lãi đồng USD vẫn không được các ngân hàng cạnh tranh.
Chẳng hạn, nếu tính kỳ hạn tiền gởi 3 tháng ở VIBank chi nhánh Tân Định áp dụng cho tiền đồng là 14,5%/năm, trong khi lãi suất USD chỉ 6,8%/năm. Mặc dù hiện nay, nhiều ngân hàng đã chú ý tăng lãi suất USD từ khoảng 6% - 6,5%/năm thành 7% - 7,25%/năm như Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vừa tăng mức lãi suất tiền gửi USD thêm 0,5 - 1%/năm, nâng mức lãi suất cao nhất lên đến 7%/năm và áp dụng thêm các kỳ hạn gửi USD 1, 2, 3 tuần. Thế nhưng, theo tính toán của khách hàng, dù lãi USD đã tăng nhưng nếu so với lãi suất tiền đồng vẫn còn thua xa.
“Cửa” chưa mở cho người vay
Sau 4 ngày Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất cho vay 18%, đến sáng 23-5, hầu hết các ngân hàng thương mại tại TPHCM đều chưa mở cửa tiếp nhận hồ sơ cho vay, nhất là đối với hồ sơ vay của khách hàng mới. Trong thời điểm hiện nay, các ngân hàng đang “chờ” một hướng giải quyết mới và không thể báo cho khách hàng biết khi nào mới “mở cửa” cho vay trở lại.
Nhân viên phòng tín dụng Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chi nhánh Cao Thắng (quận 3) cho biết, hiện nay Sacombank đã ngưng cho vay tất cả các hạng mục theo quy định, vì dư nợ của ngân hàng đã vượt quá 30%. Nhân viên Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) chi nhánh đường Nguyễn Đình Chiểu cũng cho biết, ngân hàng đã ngừng cho vay vì dư nợ vượt mức cho phép.
Nếu khách hàng cũ trả hết nợ, đã tiến hành hồ sơ vay mới thì có thể ngân hàng xem xét chứ không tiếp nhận hồ sơ vay của khách hàng mới. Anh Nguyễn Linh Thảo cho biết đã nộp hồ sơ vay vốn vào Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (Eximbank) từ trước, hồ sơ đã được thẩm định, thế nhưng đến nay vẫn chưa vay được vốn. Anh than vãn: dù lãi suất tăng khiến người vay lo lắng nhưng trước một thời gian dài ngân hàng “đóng cửa” với người vay, nay tưởng sẽ được vay trở lại, không ngờ đến giờ… cửa vẫn chưa mở.
HÀN NI - MỸ HẠNH
Thông tin liên quan:
* TP Hồ Chí Minh: Các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động
* Ngày thứ hai thực hiện cơ chế lãi suất mới
Lãi suất bước đầu ổn định mức 14% - 15%/năm
* Tăng lãi suất huy động vốn
Ngân hàng “canh” nhau – dân dè dặt