Rút tiền tại cây ATM bằng căn cước công dân gắn chip: Tiện lợi, nhưng cần đảm bảo an toàn

Một số ngân hàng đang phối hợp Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (CCCD) - Bộ Công an, thí điểm ứng dụng dùng CCCD gắn chip thay thế thẻ ATM rút tiền. Việc này mang lại nhiều thuận tiện cho người dân, nhưng cũng phát sinh không ít nỗi lo…
Giao dịch rút tiền tại cây ATM sẽ thuận tiện hơn khi sử dụng CCCD gắn chip
Giao dịch rút tiền tại cây ATM sẽ thuận tiện hơn khi sử dụng CCCD gắn chip

Trục trặc khi rút tiền bằng thẻ ATM

  Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, ông Nguyễn Tuấn (nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM) đã một phen hốt hoảng khi rút tiền ở cây ATM.

Ông Tuấn kể: “Khi tôi ra cây ATM rút tiền để mua nhu yếu phẩm, dù đã làm đúng thao tác nhưng lại nhận được thông báo “Giao dịch không thể thực hiện”. Tôi cứ nghĩ là cây ATM hết tiền như bao lần cao điểm trước nay”.

Thật ra, lý do ông Tuấn không thể rút tiền là thẻ ATM của ông đã bị hết hạn sử dụng vào đúng ngày ông rút tiền. Trên thẻ ATM có ghi rõ ràng, nhưng lâu nay chủ thẻ chỉ quan tâm tài khoản mình còn bao nhiêu tiền, chứ ít ai lưu tâm đến thời hạn sử dụng. 

Ông Vũ Đức Chương (ngụ ở đường Thành Thái, phường 12, quận 10) lại có bức xúc khác khi gặp trục trặc trong lúc rút tiền tại cây ATM. Ông Chương cho biết: “Tôi hay gõ nhầm mật mã nên chỉ chọn những cây ATM ở trước cửa ngân hàng để giao dịch. Bởi lẽ, nếu có sự cố thì mình có thể nhờ can thiệp ngay. Kỹ lưỡng như vậy, nhưng tôi vẫn gặp xui. Một lần, gần cuối giờ làm việc buổi sáng, tôi đến cây ATM đặt trước một ngân hàng trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, để rút tiền. Khi thực hiện xong các thao tác, tôi ung dung chờ nhận lại thẻ, lấy tiền thì bỗng nhiên... cúp điện! Tôi loay hoay, luýnh quýnh như “gà mắc tóc” trong cây ATM. Tôi không thể rời cây ATM vì đã thực hiện xong các thao tác. Nếu có điện lại, máy trả thẻ, đưa tiền ra thì tôi mất tiền làm sao!”.

Hơn chục phút sau, điện có lại, máy hoạt động, nhưng giao dịch của ông Chương đã không được thực hiện. Thẻ ATM của ông tạm thời bị “nuốt”, trong khi ngân hàng đang tạm dừng làm việc để nghỉ trưa. Vậy là ông Chương phải chờ đầu giờ chiều quay lại để nhờ nhân viên kỹ thuật lấy giùm thẻ bị kẹt trong máy và thực hiện việc rút tiền của mình.

Mong đợi sự thuận tiện

 Việc một số ngân hàng đang phối hợp Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD - Bộ Công an thí điểm ứng dụng dùng CCCD gắn chip thay thế thẻ ATM rút tiền có thể nói là bước đột phá. Trước mắt, dịch vụ này được áp dụng tại Hà Nội, Quảng Ninh với một số ngân hàng đã được kết nối và trang bị thêm thiết bị nhận diện. Người dân ở các tỉnh, thành này có thể không cần mang nhiều thẻ ATM của các ngân hàng và phải nhớ mật mã như trước. Đây có lẽ là niềm mong đợi nhất đối với người cao tuổi.

Ông Hồ Long (72 tuổi, nhà ở quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ: “Đến nay, hàng tháng tôi vẫn đến bưu điện hay UBND phường để nhận phụ cấp, lương hưu trí. Cán bộ phường và Bảo hiểm xã hội vẫn động viên, thuyết phục tôi nhận tiền qua thẻ. Tuy nhiên, tôi luôn chối từ vì dù tôi vẫn còn minh mẫn, có thể nhớ mật mã thẻ ATM nhưng tôi bị bệnh Parkinson, tay chân run lẩy bẩy nên không thể bấm đúng mật mã. Với thông tin này, chúng tôi rất phấn khởi. Vậy là từ nay, những người như tôi chỉ cần mang theo CCCD đến cây ATM là có thể giao dịch được rồi. Khỏi tập trung đông người, muốn rút tiền lúc nào cũng được. Quá tiện lợi!”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Trí (ngụ phường 5, quận Phú Nhuận, TPHCM) vẫn lo lắng: “Má tôi hơn 70 tuổi, còn đi lại được. Trước nay, chúng tôi đăng ký cho má tôi nhận tiền tuất và phụ cấp qua bưu điện. Bây giờ được giao dịch rút tiền bằng CCCD rất thuận tiện. Tuy nhiên, theo quy trình, ngoài việc trình CCCD để máy quét mã QR thì còn phải thêm một bước nhận diện qua khuôn mặt để nâng cao tính bảo mật. Tôi mong mỏi thiết bị quét hình ảnh khuôn mặt sẽ hoạt động nhanh, nhạy và ổn định để việc thực hiện giao dịch sẽ đạt hiệu quả cao”.

Đảm bảo trách nhiệm của các bên liên quan


Một số người lo ngại rằng hiện việc rút tiền mặt ở cây ATM bằng CCCD gắn chip đang dừng ở mức độ thí điểm, chưa có khung pháp lý cụ thể để xử lý trách nhiệm của người có CCCD gắn chip, trách nhiệm của ngân hàng cũng như các đơn vị liên quan nếu xảy ra sự cố mất tiền trong tài khoản hay CCCD bị máy “nuốt”. Vì vậy, cần phải hình thành một khung pháp lý khi triển khai đại trà để đảm bảo an toàn giao dịch, đồng thời đảm bảo trách nhiệm của các bên liên quan.

Tin cùng chuyên mục