Sắc hoa màu nhớ

Dẫu đã bước sang tuổi ngũ tuần nhưng cứ mỗi năm tết đến, xuân về, lòng tôi lại xốn xang khi gặp lại những không gian tết bình dị mà mình đã đi qua từ khi còn thơ bé. Ngoài những gian hàng bánh chưng, bánh tét, bánh mứt, dưa món giúp nhớ ngay đến những món ăn truyền thống trong ngày tết cổ truyền thì chính những chậu hoa cúc vạn thọ lại cho tôi cũng như bao người một cảm giác về cái tết bình dị.

Quê tôi ở miền Trung. Vào những năm của thập kỷ 80 ở thế kỷ trước, khi cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, hoa kiểng chỉ dành cho ngày tết, trong đó hoa cúc vạn thọ với 2 màu chủ đạo là vàng tươi và vàng sẫm chiếm vị trí độc tôn. Hầu như nhà nào cũng chưng loại hoa này với 2 chậu để trước hiên nhà. Nghèo thì chỉ cần 2 chậu nhỏ xíu, cao khoảng 30- 40cm; nhà khá hơn một chút thì 2 chậu to, cao 60-70cm. Cùng với bánh tét, bánh chưng, dưa món, thịt heo, thịt gà, ít củ khoai tây… là đã có một cái tết ấm cúng.

Chăm sóc hoa cúc vạn thọ chuẩn phục vụ thị trường tết ở làng hoa Tân Ba, thị xã Tân Uyên (Bình Dương). Ảnh: HOÀNG BẮC

Chăm sóc hoa cúc vạn thọ chuẩn phục vụ thị trường tết ở làng hoa Tân Ba, thị xã Tân Uyên (Bình Dương). Ảnh: HOÀNG BẮC

Khi lớn lên, vào Đà Lạt, tôi mới được biết đến các loài hoa ôn đới trong đó có địa lan, phong lan, hoa hồng, hoa lay ơn. Sau đó, khi có trang trại của Công ty Dalat Hasfarm mở ra trên đất Lâm Đồng thì rất nhiều giống hoa mới được du nhập giúp nhà vườn trồng hoa Đà Lạt nhanh chóng "lên đời".

Dù vậy, những ngày giáp tết vẫn không thiếu hoa cúc vạn thọ bày bán ở các đường phố nhưng chỉ khác là lượng hoa cúc vạn thọ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong vô số loài hoa tết ở phố núi. Do có khí hậu ôn đới, thú chơi hoa tết của người Đà Lạt cũng khá phong phú. Tuy nhiên, chỉ cần xuôi đèo Prenn theo Quốc lộ 20 về với huyện Đức Trọng, Di Linh, Đạ Houai (Lâm Đồng); Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai) thì không gian hoa tết bình dị với những điểm bán hoa cúc vạn thọ lại hiện diện ở khắp nơi.

Những ngày giáp Tết Quý Mão, tôi có dịp rong ruổi ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và lại được chiêm ngưỡng những không gian hoa cúc quen thuộc. Trên con đường tỉnh lộ 741 nối Bình Dương với Bình Phước, tỉnh lộ 747 từ Biên Hòa đi Tân Uyên, hay trục đường mới mở Đặng Văn Trơn - cầu An Hảo nối Quốc lộ 1K với Quốc lộ 1, đâu đâu cũng thấy rực rỡ sắc hoa vàng cúc vạn thọ. Và cũng như vài mươi năm trước, người nghèo khó vẫn có thể sắm một cặp hoa cúc vạn thọ với chỉ 50-60 ngàn đồng.

Chị Thu (chủ một vựa hoa chuyên kinh doanh hoa tươi và hoa cảnh đường phố) cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi nên các loại hoa đều nở đẹp, đúng dịp tết. Riêng giá hoa cúc vạn thọ năm trước 15 ngàn đồng/chậu thì nay tăng lên 20 ngàn. Chị bán ra 55 ngàn đồng một cặp (hoa đã vào chậu nhựa, cao khoảng 40-45cm), nhìn cũng khá bắt mắt.

Biết tôi muốn chụp hình hoa tết, chị cười tươi rồi nói: “Sao không nói trước để em thay áo dài chụp với cúc vạn thọ”.

Năm nay, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới với lạm phát tăng cao, khách hàng thắt chặt chi tiêu, làm đứt gãy các đơn hàng, không ít công nhân phải về quê ăn tết sớm hoặc ở lại đón tết ở các tỉnh Đông Nam bộ với tiền thưởng khiêm tốn hơn năm trước. Nhưng chắc chắn một điều, ngoài sự chăm lo của các cấp chính quyền, công đoàn thì bản thân họ vẫn có thể vui đón tết cổ truyền với những bánh mứt và sắc hoa bình dị cúc vạn thọ. Đồng thời, cũng có nhiều người ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, dù cuộc sống đã khá giả hơn nhưng vẫn thích chưng hoa cúc vạn thọ trong dịp tết.

Mới hay, loài hoa cúc vạn thọ chính là một phần của văn hóa truyền thống mà người Việt Nam dù sinh sống, làm ăn ở các vùng miền nào thì ngày tết vẫn luôn nhớ về.

Tin cùng chuyên mục