Tại đây, bạn đọc sẽ có cơ hội mua sách với nhiều mức giá khác nhau, từ đồng giá: 9K, 19K, 29K, 39K cho đến các mức chiết khấu 20%, 30% và cao nhất là 50%. Còn trước đó, nhân dịp cuối năm, rất nhiều đơn vị xuất bản trong nước cũng tổ chức hàng loạt chương trình giảm giá, xả kho. Bên cạnh sách đồng giá 1.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 30.000 đồng, 90.000 đồng, nhiều nơi còn thu hút khách hàng với mức giảm giá sâu từ 50%-80%, thậm chí có nơi “chơi lớn” với 90%. Cá biệt có chương trình bán sách theo cân, đơn giá 49.000 đồng/kg (khoảng 3-6 cuốn tùy loại giấy), được đơn vị tổ chức cam kết là “sách thật 100%”.
Chuyện giảm giá sách đã không còn mới đối với “dân mọt sách” hiện nay. Tuy nhiên, giảm giá ở mức nào để không gây ra hậu quả cho thị trường hay các đơn vị cùng ngành là vấn đề cần được lưu tâm. Thực tế cho thấy, việc nhiều đơn vị đua nhau giảm giá sách dẫn đến tâm lý “án binh bất động” từ độc giả. Nếu trước đây, mức giảm 40%-50% có thể xem là khá cao thì nay, rất nhiều độc giả quyết định “chờ” đến lúc giảm 70%-80% mới chịu bỏ tiền ra mua.
Có thể nhận thấy điều này tại chương trình Hội sách xả kho diễn ra vào đầu tháng 12 năm nay tại Trung tâm Thể dục thể thao Hoa Lư (số 2 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1) mà người viết có dịp chứng kiến. Chương trình thu hút đông đảo giới trẻ, được cho là đối tượng tiềm năng của ngành xuất bản hiện nay, họ tranh thủ lựa sách rồi xếp thành hàng dài chờ đến lượt tính tiền.
Điều đáng nói, ngoài cam kết “sách thật 100%” thì các đầu sách dù được gọi là sách cũ nhưng lại không hề cũ. Bởi theo “định nghĩa” của đơn vị tổ chức, nếu so sánh sách xuất bản vào tháng 11-2019 thì sách được xuất bản vào tháng 2-2019 hoặc xuất bản vào tháng 10-2018 đã là sách cũ!
Chính từ tâm lý chờ sách giảm giá sâu của khách hàng khiến các đơn vị xuất bản cũng phải tìm giải pháp để bù lỗ. để gỡ gạc lại phần chi phí đầu tư, các đơn vị làm sách không còn cách nào khác là phải nâng giá bìa. Lấy ví dụ: một cuốn sách dày 300 trang đáng giá 100.000 đồng, nếu giảm 40% theo giá bìa thì khách hàng sẽ phải trả 60.000 đồng.
Nhưng để “chiều lòng” khách hàng, nếu muốn giảm khoảng 70% thì đơn vị xuất bản sẽ phải nâng giá bìa lên thành 200.000 đồng, thậm chí hơn. Và thực tế đã cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa các đầu sách từ các đơn vị khác nhau. Chẳng hạn, trong khi cuốn Tom Jones - Đứa trẻ vô thừa nhận tập 2 dày 684 trang có giá bìa là 199.000 đồng thì cuốn Giới siêu giàu châu Á tập 1 dày 532 trang có giá lên tới 229.000 đồng. Điều đáng nói là hình thức và chất lượng giấy của 2 cuốn gần như tương đương.
Mặc dù số tiền cuối cùng khách hàng phải trả vẫn là 60.000 đồng, nhưng sự nâng giá bìa ít nhiều ảnh hưởng đến sự cân bằng của thị trường. Thêm vào đó, mức chiết khấu này thường diễn ra trên online hoặc tại các hội sách giảm giá nào đó. Khi đó, thiệt hại sẽ được chuyển sang cho những người không phải khách hàng của các kênh phân phối này. điều quan trọng không kém là chất lượng tác phẩm, chất lượng giấy liệu có tỷ lệ thuận với giá bìa hay không, không một ai dám chắc!