

Tại các siêu thị sách lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, sách dành riêng cho giới trẻ chiếm số lượng lớn. Đi đầu phải kể đến Nhà xuất bản Trẻ. Với bộ sách “Cửa sổ tâm hồn”, tuổi mới lớn ở Việt Nam được tiếp xúc với những cuốn sách có nội dung giáo dục nhân cách.
Về hình thức đọc sách có nhiều cách khác nhau: đọc sách báo in, đọc sách báo trên Internet. Đối với sách báo trên Internet sự xâm nhập của các trang web độc hại đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tâm hồn của lứa tuổi mới lớn. Việc Nhà xuất bản Trẻ phát hành những cuốn sách với các câu chuyện ngắn, súc tích, đầy ý nghĩa nhân văn đã giúp giới trẻ cách tiếp nhận mới về cuộc sống. Hầu hết chuyện trong lĩnh vực “học làm người” là những chuyện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Đó là chuyện về cái kén bướm phải tự nó chui ra khỏi vỏ mới có đủ khả năng thích ứng với môi trường mới; chuyện về cái lỗ đinh trên bờ rào; chuyện về một trái tim đầy những vết sẹo là một trái tim hoàn hảo…
Có thể nói bộ sách “Cửa sổ tâm hồn” hay “Những tấm lòng cao cả” là truyện cổ tích thời hiện đại. Bởi nó đã dạy cho tuổi mới lớn biết yêu thương, tha thứ, phù hợp với tâm lý và sự phát triển của lứa tuổi này. Đó là các cuốn sách: Quà tặng của cuộc sống, Lắng nghe điều bình thường, Còn có ai đó yêu thương bạn, Tâm hồn cao thượng… Chính tấm gương của các nhân vật, hầu hết là có thật, đã hướng cho độc giả nhỏ tuổi học và làm theo. Ở nước ta hiện nay, giáo dục đạo đức cho tuổi mới lớn chưa theo một hệ thống nhất định và chưa được quan tâm đúng mức. Thiết nghĩ việc hướng dẫn học và đọc những cái hay từ những cuốn sách như vậy phải được phổ biến rộng rãi. Giống như nhà văn Nguyễn Khải khi đề cập đến vấn đề này đã từng trăn trở: “Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chọn lọc những mẩu chuyện này, viết lại cho các em học sinh tiểu học đọc, chắc chắn sẽ gây được nhiều ấn tượng cao đẹp suốt một đời người như cuốn Quốc văn giáo khoa thư của ngày xưa”.
THÙY DUNG