Quân khu Nam Đồng - truyện tưởng chừng chỉ của riêng những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại khu tập thể quân đội Nam Đồng (Hà Nội) những năm 50, 60 của thế kỷ trước, ngay khi vừa ra mắt đã tạo nên sức thu hút. Không chỉ những đứa trẻ đã từng sinh ra và lớn lên ở những khu tập thể cao tầng thời bao cấp tìm thấy mình trong đó mà bao trùm lên hết thảy là bức tranh sống động về một thời ngây thơ, trong trắng, hào hiệp và nghĩa khí.
Khu tập thể quân đội Nam Đồng là một trong những khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời kháng chiến chống Mỹ. Khoảng 500 gia đình sĩ quan quân đội sống ở đây. Nhưng những người gắn bó với khu tập thể không phải là các ông bố mặc quân phục thường xuyên xa nhà mà là lũ con nít... Và câu chuyện về những đứa trẻ của khu gia binh với danh xưng là “Quân khu Nam Đồng” - đã bắt đầu rất giản dị như vậy.
Một khoảng lùi thời gian 40 năm cũng giúp cho tác giả nhìn lại thời thơ ấu dấu yêu một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng, hóm hỉnh và đầy cảm xúc. Với nhà văn Bảo Ninh thì đó là một cuốn sách phải nói là rất lạ lùng. Tự nhiên nhi nhiên, không gợn một chút gì sự “hành văn”.
Cuốn sách cũng chia lớp lang, cũng ngắt khúc theo kiểu chương hồi nhưng khi đã cầm cuốn sách lên người đọc khi ấy chẳng chút bận tâm đây là hồi ký hay tiểu thuyết bởi người đọc đều sẽ có chung cảm giác được bao phủ trong mạch nguồn ký ức cuồn cuộn ùa về. Cái ký ức với những chi tiết kể về các buổi chào cờ của lớp 8D, về các trò chống đối thầy cô trong giờ học, rút quai dép của bạn... Thầy cô, bố mẹ, đến cả những vị tướng… tất cả đều bình đẳng trong ký ức của những cậu con trai ngày ấy với những hàng dài xếp xô hứng nước, với những trận đấu bóng mà đội thua buộc phải nhận hình thức xử phạt. Tình mẹ con, tình cha con, tình thầy trò, tình bạn cùng trường cùng phố, tình yêu đầu đời vô cùng non nớt mà sâu nặng thuở học trò... hiện lên trên mỗi trang sách thật dung dị, chân thật như chính cuộc sống phải thế.
Rất ít người trẻ hôm nay hiểu được vì sao lại có thời, khái niệm “quân khu” từng để lại ấn tượng như thế với những cư dân đường phố Hà Nội những năm 80: “Quân khu Nam Đồng”, “Quân khu Lý Nam Đế”, “Quân khu 1A Hoàng Văn Thụ”, “Quân khu 28 Điện Biên”… Song bằng chính cái nhìn của một người trong cuộc, không ôn nghèo kể khổ, không lên dây cót tinh thần, câu chuyện của những đứa trẻ khoác áo “quân khu” ấy hiện ra trong trẻo, nghĩa khí như cuộc sống của thanh niên thời chiến.
Có lẽ chính vì điều ấy mà Quân khu Nam Đồng ngay trong tuần đầu xuất hiện đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng. Người đọc không chỉ sôi sục tìm kiếm cuốn sách mà ngay cả tác giả Bình Ca, một cái tên lạ hoắc với làng văn cũng tạo nên sức hút vô cùng lớn. Cùng với sức nóng của Quân khu Nam Đồng thì cái tên Bình Ca cũng được “truy lùng” gắt gao. Nhà xuất bản tất nhiên rất tôn trọng thỏa thuận với tác giả, họ tuyệt nhiên không tiết lộ danh tính thật của Bình Ca. Song ai cũng biết đó là chính là một nhân vật ở trong truyện và một thành viên của Quân khu Nam Đồng tiếng tăm một thời bao cấp.
Sức nóng của cuốn sách còn khiến hàng loạt các cửa hàng ở phố Nguyễn Xí - một trung tâm sách lớn của Hà Nội chao đảo. Chủ các cửa tiệm sách ở đây vốn vồn vã, chiều khách là thế ấy mà từ khi Quân khu Nam Đồng xuất hiện bỗng trở nên “sang chảnh” hẳn. Thậm chí với những người hỏi mua sách từ chục cuốn trở lên buộc phải xuất trình chứng minh thư để chứng minh mình đích thực là dân quân khu Nam Đồng thì mới xuất bán. Chuyện kể như đùa nhưng lại có thật.
Trong một cơ duyên bất ngờ, tôi được gặp Bình Ca, tác giả của cuốn truyện đang gây bão ấy và câu chuyện của chúng tôi tất nhiên theo đúng giao ước là không có gì ngoài truyện. Tác giả Bình Ca chia sẻ, điều anh đã làm được ở Quân khu Nam Đồng không phải là dựng lên các nhân vật, các câu chuyện để minh họa, lý giải về sự xuất hiện, tồn tại của một danh xưng như thế mà anh đã kể được một câu chuyện không hư cấu, về những nhân vật có thật trong một khu gia binh khổng lồ nằm giữa Hà Nội khi ấy.
Bốn mươi năm sau ngày những tên tuổi “lừng danh” của Quân khu Nam Đồng dù tình nguyện hay miễn cưỡng rời mái trường cấp 3 Đống Đa, mỗi người một công việc, một số phận tản mát mỗi đứa một nơi. Rất đông trong số họ vì nhiều lý do khác nhau đã không có dịp để quay về với khu tập thể Nam Đồng. “Khu tập thể cũ kỹ ấy sau hơn nửa thế kỷ tồn tại cũng đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh và chắc sẽ chẳng còn bao lâu nữa những tòa cao ốc mới sẽ được xây dựng trên chính nền móng những ngôi nhà xưa. Vì thế cuốn sách không đơn thuần là món quà dành tặng cho tất cả các cư dân của khu tập thể Nam Đồng mà nó đã thực sự là chiếc cầu nối yêu thương đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, nhân ái hơn như chính những câu chuyện về những ngày ấu thơ yêu dấu”, tác giả Bình Ca chia sẻ.
MAI AN