
Trong thời gian gần đây, báo chí đã đưa nhiều tin liên quan đến việc đọc sai toa thuốc nên bán nhầm thuốc dẫn đến các tai nạn trong điều trị cho bệnh nhân. Vậy làm thế nào để hạn chế các sai lầm do hiểu sai toa thuốc của bác sĩ?
- Ai cũng... không hiểu, chỉ một (vài) người... mới hiểu!

Cứ đầu năm và cuối năm, Phòng Y vụ các bệnh viện lại tổ chức kiểm tra chuyên môn. Một trong những điểm chuyên môn cần kiểm tra là hồ sơ bệnh án được thực hiện đúng qui trình điều trị, trong đó chữ viết cả trong chẩn đoán bệnh lẫn trong chỉ định dùng thuốc phải rõ ràng, dễ đọc để tránh nhầm lẫn trong việc thực hiện.
Bộ Y tế cũng đã ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng bác sĩ viết chữ cẩu thả, tùy tiện, gây nhầm lẫn trong việc thực hiện y lệnh tại bệnh phòng cũng như việc dùng thuốc cho bệnh nhân. Ví dụ: hai tên thuốc gần giống nhau Antacil và Anacin mà nhầm lẫn thì có thể gây nên tai nạn cho bệnh nhân vì Antacil trị đau do loét dạ dày-tá tràng, đau do dư acid của dịch vị còn Anacin, tức Aspirin với bản chất là acid acetyl salicylic sẽ bào mòn vết loét dạ dày, làm tăng độ acid dịch vị và làm trầm trọng thêm bệnh cho bệnh nhân.
Nói chung, trên thị trường có vô số thuốc có tên đặc chế gần giống nhau nhưng bản chất trị bệnh lại khác nhau, ngay cả loại thuốc ho cổ điển quen thuộc Eucalyptin Le Brun chỉ cần nhầm loại thuốc cho trẻ em với thuốc đặt nhũ nhi là gây hại cho bé ngay…
Trong dân gian có lưu truyền một truyện cười về những đơn thuốc mà người khác không “dịch” nổi. Một chàng thanh niên vào khoa ngoại tái khám. Cô bác sĩ trẻ mới ra trường liếc qua phần chẩn đoán, liền nghiêm nghị bảo:
- Anh cởi quần ra để tôi khám.
Chàng trai ngỡ ngàng:
- Nhưng… nhưng…
Biết bệnh nhân nam thường e thẹn trước thầy thuốc nữ, lại sợ các bệnh nhân khác chờ lâu, cô bác sĩ trẻ càng làm mặt nghiêm, nhắc lại:
- Anh đừng ngại, phải cởi quần ra tôi mới khám được.
Chẳng đặng đừng, anh thanh niên vừa làm theo “y lệnh” vừa thắc mắc:
- Nhưng… nhưng tôi bị viêm hạch dưới hàm mà!
Cô bác sĩ trẻ nhìn kỹ lại phần chẩn đoán, than ôi, BS đàn anh X chẩn đoán là “viêm hạch dưới hàm” nhưng cô bác sĩ trẻ lại đọc nhầm thành “viêm hạch dưới… háng” chỉ vì cái ngoéo cẩu thả!
- Biện pháp hạn chế
Tại các phòng mạch tư, hiện nay nhiều công ty dược đã in sẵn toa thuốc, chỉ chừa khoảng trống để điền vào và tặng cho các phòng mạch. Bác sĩ chỉ cần ghi tên thuốc, hàm lượng.
Tại phòng bệnh, mỗi buổi sáng bác sĩ “visite” (thăm bệnh) các buồng bệnh để cho chỉ định điều trị. Việc viết y lệnh điều trị rõ ràng tùy thuộc chức năng quản lý của bệnh viện, kể cả vi tính hóa hồ sơ bệnh án để bác sĩ chỉ điền y lệnh theo mẫu có sẵn.
Theo nguồn tin của VnExpress, Quốc hội dự kiến sẽ ra pháp lệnh hoặc lệnh về vấn đề BS viết chữ xấu, kê đơn ẩu.
THẾ NGỌC