Sau những đồn thổi về sai phạm trong quy trình cho, nhận và bảo quản máu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, vấn đề hiến máu, truyền máu bỗng trở thành mối quan tâm của người dân. Nhân ngày thế giới tôn vinh những người hiến máu (14-6), chúng tôi đã trao đổi với dược sĩ Trần Văn Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Huyết học (TTTMHH) Chợ Rẫy và Th.S-BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Xét nghiệm chuyên ngành truyền máu huyết học Bệnh viện Nhân dân 115 về an toàn truyền máu.
- PV: Với số lượng máu thu được chỉ khoảng 80.000 - 100.000 đơn vị máu/năm, tại sao TTTMHH Chợ Rẫy lại có thể vừa cung ứng 200.000 đơn vị máu cho Bệnh viện Chợ Rẫy vừa phân phối máu cho các bệnh viện khác?
DS Trần Văn Bảo: Bí quyết ở đây không phải là pha loãng máu như trường hợp người ta vừa đồn thổi mà thực ra với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, từ các túi máu thu được của người hiến, khi đưa về trung tâm, qua quy trình kỹ thuật người ta sẽ tạo ra các thành phần, chế phẩm từ máu như hồng cầu, huyết tương tươi, huyết tương tươi đông lạnh, khối bạch cầu... Vì vậy với mỗi túi máu có thể dùng điều trị 4-5 người bệnh (chứ không phải truyền máu kiểu toàn phần). Cần lưu ý rằng, để thực hiện việc tách các thành phần máu thì điều kiện cơ bản đầu tiên là túi máu phải có dung lượng từ 350ml máu/lần trở lên. Đáng tiếc là với quan niệm cũ nhiều người vẫn hiến 250ml/lần, số người hiến từ 350ml/lần trở lên chưa cao khiến hiệu quả sử dụng máu lãng phí. Cụ thể, hiện TTTMHH Chợ Rẫy bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 - 400 đơn vị máu từ những người hiến máu tình nguyện. Trong đó, khoảng 90% người hiến từ 350ml máu/lần trở lên. Nhờ đó, TTTMHH Chợ Rẫy vừa phục vụ việc cung cấp máu cho BV Chợ Rẫy vừa có thể cung ứng máu cho các bệnh viện trong khu vực.
- Được biết, không ít người bán máu luôn tìm cách qua mặt nhân viên y tế như: dùng CMND người khác, lấy chanh làm mờ vết chích, uống viên sắt, trà đường, thậm chí có những người trong 1 tháng đi bán máu 2-3 lần bằng cách xoay tua bán cho nhiều trung tâm… khiến nhiều người cảm giác bất an khi được truyền máu?
DS Trần Văn Bảo: Theo tôi được biết, tình trạng bán máu hiện vẫn tồn tại ở một số nơi nhưng không nhiều, chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng máu hiến tình nguyện. Riêng tại TTTMHH Chợ Rẫy hiện không còn tình trạng mua bán hồng cầu nhưng với tiểu cầu thỉnh thoảng vẫn còn. Bởi số người tình nguyện hiến tiểu cầu hiện vẫn còn ít, không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Tuy nhiên, với số lượng người “cho” tiểu cầu không nhiều thì việc kiểm soát càng trở nên chặt chẽ. Thêm nữa, giờ đây với sự giúp sức của công nghệ thông tin, hồ sơ những người “cho” máu chuyên nghiệp sẽ được lưu giữ cập nhật đầy đủ từ tên tuổi, CMND, thẻ hiến máu… Quy trình xét nghiệm trước khi tiếp nhận máu cũng rất chặt chẽ cả với những người cho tình nguyện lẫn người “cho” máu chuyên nghiệp nên sớm muộn cũng bị phát hiện và trường hợp máu không đảm bảo chất lượng sẽ bị loại ngay.
- Máu sạch khi truyền cho người bệnh liệu có an toàn 100% không thưa bác sĩ? Nếu máu truyền bị pha loãng như người ta đồn thổi sẽ gây hậu quả như thế nào?
BS Nguyễn Văn Lộc: Truyền máu cũng như một dạng điều trị. Hiện chúng ta đã kiểm soát được nhiều tai biến nguy hiểm tuy nhiên vẫn còn một số bệnh nhân dù được truyền đúng nhóm máu, đúng phác đồ nhưng vẫn xảy ra phản ứng như nổi mề đay, ngứa… hoặc có kháng thể lạ sau khi được truyền máu. Trong trường hợp máu không đạt chất lượng không những hiệu quả điều trị không đạt mà còn gây lãng phí, nguy hiểm hơn là có thể gây tai biến khó lường như nhiễm trùng, xuất hiện kháng thể lạ… Nói chung, với truyền máu thì “sai một ly có thể đi một mạng người”.
- Vậy khi được truyền máu bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề gì? Trong trường hợp cần thiết có nên để bệnh viện lấy máu người thân truyền cho người bệnh không?
BS Nguyễn Văn Lộc: Thực tế hiện nay có nhiều bệnh nhân muốn được người thân cho máu và dùng máu của người thân, tuy nhiên, theo tôi không nhất thiết phải như vậy, vì người bệnh chỉ nên nhận những thành phần nào cần thiết chứ không nên truyền máu toàn phần. Một điều hết sức đáng tiếc là hiện vẫn còn một số địa phương thực hiện việc truyền máu toàn phần cho những trường hợp bệnh nhân chỉ thiếu một hoặc 2 thành phần của máu. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn tạo ra nguy cơ biến chứng cho người bệnh. Khi có chỉ định truyền máu, người bệnh nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế và nếu thắc mắc thì hỏi bác sĩ điều trị hoặc nhân viên y tế để được giải đáp cặn kẽ chứ không nên tự ý làm sai chỉ định. Trong trường hợp cần thiết, người nhà bệnh nhân nên đến TTTMHH Chợ Rẫy hoặc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM để hiến và đổi nhóm máu mà bệnh nhân đang cần là tốt nhất, vừa đảm bảo quy trình an toàn lại vừa đáp ứng được thời gian có máu sạch, thành phần máu đúng chỉ định nhanh nhất.
| |
Tiến Đạt