Chợ phiên cuối tuần

Sân chơi chỉ dành cho khách Việt?

Sân chơi chỉ dành cho khách Việt?

Nằm sát bên phố Tây Phạm Ngũ Lão, quận 1 - một vị trí khá “đắc địa” để hút khách du lịch nước ngoài đến mua sắm và tham quan, thế nhưng sau 8 lần họp chợ, chợ phiên cuối tuần 23-9, dường như vẫn chưa đủ “duyên” để lôi cuốn du khách quốc tế.
Tuy có sức thu hút lớn đối với khách trong nước nhưng đối với du khách nước ngoài thì chợ phiên lại không mấy “hợp khẩu vị”.

Trong dòng người lũ lượt đi mua sắm cuối tuần tại chợ phiên, tìm mãi mới thấy bóng dáng một vị khách ngoại quốc. Câu trả lời chẳng mấy khó khăn bởi các mặt hàng bày bán tại chợ phiên khá đơn điệu, chủ yếu là hàng may mặc, thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Sân chơi chỉ dành cho khách Việt? ảnh 1

Chợ phiên 23-9: chỉ là sân chơi cho khách Việt. Ảnh: HẢI MINH

Các gian hàng truyền thống thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là các sản phẩm thủ công quen thuộc như tranh, chữ thư pháp; đồ mỹ nghệ từ sừng, ngà; giỏ xách thêu, túi thêu, giày thêu… Những mặt hàng như vậy, khách du lịch có thể dễ dàng tìm thấy và mua ngay tại bất cứ cửa hàng nào ở phố Tây mà không cần phải đợi cuối tuần để sang chợ phiên mua sắm.

Nhân viên quản lý gian hàng túi xách, cơ sở AFA cho biết, khách Tây đến với chợ phiên không nhiều, mà có đến cũng chỉ tham quan, ít mua sắm. Anh Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc cơ sở gốm sứ Thượng Nguyên, gian hàng thu hút khá đông khách ngoại quốc đến tham quan, mua sắm, cũng cho biết, tham gia chợ phiên lần này là để mở rộng thị trường trong nước chứ không nhắm đến đối tượng là khách nước ngoài.

Anh N.Trực, một “city guide” (hướng dẫn viên chuyên về các tour trong thành phố) nói rằng, không chỉ anh mà hầu như tất cả các hướng dẫn viên tour đều đều ngại “chợ phiên”. Anh khẳng định, chợ phiên không có sức thu hút đối với khách quốc tế. Theo anh, một địa điểm dành cho khách du lịch thì ít nhất phải có những bảng giới thiệu, bảng quảng cáo bằng cả hai thứ tiếng Việt-Anh.

Thế nhưng, tại chợ phiên, tìm đỏ con mắt cũng không thấy một dòng chữ giới thiệu, dù rất nhỏ, bằng tiếng Anh. Một số gian hàng thì không hề có bảng giá trên sản phẩm, ít nhân viên bán hàng giao tiếp được với người nước ngoài… Một “hội chợ định kỳ” như thế không mấy hấp dẫn với du khách.

Trong khi đó, cũng với hình thức chợ phiên cuối tuần, ngành du lịch nhiều nước và vùng lãnh thổ đã tận dụng thành một cơ hội hốt bạc. Chợ cuối tuần Jatujak ở Thái Lan, chợ phiên Cao Hùng ở lãnh thổ Đài Loan là một ví dụ. Ở chợ Jatujak hầu như khách du lịch có thể tìm kiếm bất cứ mặt hàng gì đặc trưng của Thái.

Từ trái sầu riêng cơm vàng hạt lép đến từng thớ vải thổ cẩm thêu bằng tay tinh xảo của dân tộc Thái, từ những bức tượng Phật, phù điêu đến những đồ trang trí nội thất giả cổ theo phong cách Xiêm La… Tất tần tật đều có tại chợ phiên Jatujak.

Chợ còn có đội ngũ cảnh sát du lịch, cảnh sát giao thông và cả một hệ thống ngân hàng, trung tâm y tế, trung tâm điện thoại sẵn sàng đáp ứng khi du khách cần. Chợ Jatujak không chỉ là nơi thu hút khách ngoại quốc khắp nơi đổ về mà còn là nơi truyền bá văn hóa Thái ra khắp thế giới…

Một nghịch lý là mặc dù nằm ở vị trí sát bên phố Tây nhưng chợ phiên vẫn chỉ đơn thuần là một “hội chợ” được tổ chức định kỳ vào dịp cuối tuần cho người Việt. Một sự lãng phí quá lớn trong khi ngành du lịch đang loay hoay tìm mọi cách để thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.

Hơn nữa, theo như bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) đã phát biểu trong ngày khai mạc phiên chợ đầu tiên, UBND thành phố đã đầu tư chợ phiên cuối tuần thành một “sân chơi” kích cầu tiêu dùng trong nước và quảng bá văn hóa Việt Nam cho khách quốc tế. Thế nhưng, hiện nay “sân chơi” này đang dần dần đánh mất đi vị “khách chơi” quan trọng của mình. 

Hải Minh

Tin cùng chuyên mục