
Khi sự tăng vọt của những chỉ số tiêu dùng bước đầu đã được kiềm chế, thì các hoạt động giải trí cũng khởi sắc trở lại. Và thật bất ngờ để quan sát thấy rằng, ngay cả suốt giai đoạn đời sống kinh tế tương đối khó khăn, thì sân khấu kịch vẫn tồn tại theo một cách riêng. Phải chăng sàn diễn đã và đang làm ngơ với tiêu chí nghệ thuật để níu giữ khán giả?
Nếu làm phép so sánh đơn giản thì giữa cảnh hoạt động cầm chừng của sân khấu cả nước, thì các tụ điểm kịch nghệ TPHCM vẫn sáng đèn như những tín hiệu lạc quan. Đó là nỗ lực của những nghệ sĩ sân khấu thành phố phương Nam mà không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, không khí nhộn nhịp ở một số quầy bán vé khiến những người tâm huyết với sự phát triển kịch nói vừa vui mừng vừa băn khoăn.

Diễn viên Mỹ Uyên (phải) và Trí Quang trong vở kịch “270 Gram”. Ảnh: Đ.H.
Với mục đích kéo công chúng đến rạp, hầu hết tụ điểm sân khấu xã hội hóa đều đưa ra tác phẩm phô diễn những cảnh nhạy cảm. Vở kịch “Trinh nữ” treo tấm biển “cấm trẻ em dưới 14 tuổi” nhưng độ “nóng” chưa phải cao nhất.
Liên tục các vở “Nhà trọ tình yêu”, “Cõi tình”, “Hợp đồng mãnh thú”, “Sát thủ hai mảnh”… đều khiến khán giả ngỡ ngàng, bởi những hành vi lẽ ra chỉ nên có ở chốn phòng the bỗng nhiên xuất hiện công khai trên sàn gỗ nghệ thuật! Để lộ tấm lưng trần, hay diễn tả tỉ mỉ động tác âu yếm, hoặc đưa diễn viên mặc áo tắm ra sân khấu trong không gian nhà hát mà người này có thể nhìn rõ mặt người kia, là sự sáng tạo cao hứng hay sự câu khách rẻ tiền? Chưa cần nhắc đến sự bất ngờ ngượng ngùng của giới thưởng ngoạn, ngay cả hội đồng duyệt vở khi xem “Nước mắt người điên” cũng phải yêu cầu cắt bỏ khá nhiều đoạn.
Sự chạy đua yếu tố sexy của sân khấu cứ ngày càng trượt dốc buộc Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải có công văn đề nghị các địa phương theo dõi và chấn chỉnh kịp thời những tác phẩm nghệ thuật khai thác quá đậm tình huống mặn nồng riêng tư trên sân khấu!
Dàn dựng được một vở kịch ăn khách không đơn giản, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Thế nhưng, bên cạnh những suất diễn nhộn nhịp nuôi sống được đội ngũ nghệ sĩ, thì những vở kịch náo nức kia mang lại gì cho công chúng luôn khao khát vẻ đẹp nhân văn? Câu hỏi không đơn giản này chắc chắn để lại một chút âu lo phía những nghệ sĩ tâm huyết. Ai cũng mơ ước khi tấm màn nhung kéo lên, chân dung, chiều sâu tâm hồn Việt sẽ hiện ra lấp lánh.
Đáng tiếc thay, sự lúng túng đang hiện diện trên sàn diễn. Cùng với đề tài sexy, sân khấu kịch nói cũng khai thác triệt để đề tài kinh dị. Một vở kịch được xem như hiện tượng tiêu biểu là “Người vợ ma” của Kịch Phú Nhuận, thực chất không có gì nổi trội lắm về nội dung kịch bản và tài năng diễn viên. Nói về yếu tố mới lạ thì “Người vợ ma” cũng không phải là vở kịch ma quái đầu tiên.
Cách đây nhiều năm, sân khấu IDECAF cũng đã dàn dựng hai vở “Bóng ma” và “Hạnh phúc trên đồi hoa máu”, nhưng đạo diễn vẫn còn rụt rè trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật gây ấn tượng. Còn với “Người vợ ma”, cách xử lý ánh sáng và âm thanh mang lại hiệu quả nhất định, khiến vở trở thành “đặc sản cảm giác mạnh”.
Liên tục những vở kịch có yếu tố kinh dị ma quái khác cũng lần lượt ra đời như “Quỷ” hay “Quả tim máu”. Tuy nhiên, nếu có thêm hàng chục vở kịch tương tự “Người vợ ma” thu hút người xem nữa, thì nghệ thuật kịch nói cũng không thể trông vào đấy để tự hào. Bởi lẽ, những vở kịch như thế chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí nhất thời của công chúng, chứ chưa thể hình thành giá trị thẩm mỹ mới!
Thử phản biện, nếu không trưng dụng hai yếu tố sexy và kinh dị thì kịch nói lấy gì chinh phục người xem? Xin thưa, cách đây không lâu Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đã có tác phẩm “270 gram” đoạt giải thưởng Hội Sân khấu Việt Nam. Ít nhiều “270 gram” đáp ứng được cả hai mặt nghệ thuật và thị trường một cách thuyết phục, cũng là gợi ý đáng tin cậy đấy chứ!
Văn hào Gorki từng khẳng định “kịch là thể loại khó nhất trong văn học”. Vì vậy, công chúng dễ dàng nhận ra sự song hành giữa sáng tác văn học với kịch bản sân khấu ở góc độ chọn đề tài phản ánh. Văn chương Việt Nam một dạo ồn ào vì sex và kinh dị, thì sân khấu cũng không đứng ngoài cuộc.
May mắn, đến thời điểm hiện tại, hai đề tài “thời thượng” đó đã ít nhiều có dấu hiệu thoái trào bên văn chương, nên sân khấu cũng cần tư duy “món” khác! Hay nói đúng hơn, sân khấu không thể chấp nhận “ăn xổi ở thì” mãi được.
Thành thật mà nhận định thì sân khấu phải là thể loại “xung kích” nhất trực tiếp phản ánh đời sống thời hội nhập, nhưng tình trạng khủng hoảng thiếu kịch bản đã không những khiến chân dung người Việt nhạt nhòa trên sàn diễn, mà lớp diễn viên trẻ cũng không có cơ hội vươn lên thành những gương mặt thay thế Lê Khanh, Thành Lộc, Thanh Thủy, Việt Anh, Hữu Châu…
Nếu bản bi ca “kịch bản ở đâu” vẫn cứ hát đi hát lại, mà không có giải pháp khuyến khích các nhà viết kịch, thì công chúng thiệt thòi và sàn diễn dậm chân tại chỗ… Sân khấu đang rất cần có sức cuốn hút khán giả bằng những tìm tòi, sáng tạo với những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật vừa có giá trị xã hội.
TUY HÒA