Sản phẩm giáo dục mang “dấu ấn Texas”

Nước Mỹ nên dạy lịch sử của ai?” là đầu đề một bài viết được đăng trên tờ Journal of Education Controversy của Mỹ gần đây, trong đó tác giả đã chỉ trích kịch liệt những thay đổi trong chương trình giảng dạy các môn xã hội của bang Texas. Chương trình vừa được công bố này đã gây nhiều tranh cãi, theo dư luận Mỹ, đó là sự thay đổi, xuyên tạc lịch sử.
 
Theo chương trình mới, học sinh ở Texas sẽ được học về những lợi ích của kinh tế thị trường tự do Mỹ, việc chính phủ đánh thuế có thể gây hại cho sự phát triển kinh tế như thế nào, các ý tưởng của Mỹ có lợi cho thế giới như thế nào... Điều đáng chú ý, chương trình này lại cho rằng các tổ chức như LHQ lại có thể là một mối đe dọa cho nước Mỹ và quyền tự do cá nhân.

Cụ thể, học sinh trung học phải tập trung tìm hiểu về những nhân vật bảo thủ hàng đầu và những tổ chức của thập niên những năm 1980 và 1990, như Phyllis Schlafly, nữ vận động chính trị nổi tiếng ủng hộ vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình, Moral Majority - nhóm những nhà chính trị bảo thủ theo Thiên Chúa giáo, Heritage Foundation – tổ chức nghiên cứu các chính sách bảo thủ của Chính phủ Mỹ…

Nội dung học đã giảm bớt hoặc chỉ cho đọc lướt về chế độ nô lệ, đã từng được đề cập là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc nội chiến ở Mỹ.
 
Tờ Journal of Education Controversy viết: “Rõ ràng là Hội đồng Giáo dục của bang Texas muốn tạo ra những sản phẩm giáo dục mang “dấu ấn Texas”. Họ cho rằng học sinh không cần biết về những người phụ nữ biết đòi quyền bình đẳng với nam giới, không cần biết về chế độ nô lệ tại Mỹ, cũng không cần biết về những người đấu tranh bảo vệ môi trường, về công đoàn…

Họ muốn học sinh thuộc nằm lòng lịch sử nước Mỹ trong đó chỉ có các thành tựu, lờ đi các thất bại, bỏ qua vai trò của những con người đã chiến đấu để đem lại cho dân tộc này một xã hội công bằng hơn, tốt đẹp hơn. Người Mỹ tương lai, theo cách Hội đồng Giáo dục bang Texas hướng tới, là không cần phải chú ý nhiều đến phần còn lại của thế giới, hoặc những người chưa được công nhận là công dân Mỹ đang sinh sống ở đất nước này”.
 
Texas là bang đông dân thứ hai của Mỹ. Với 5 triệu học sinh, bang này có ảnh hưởng đáng kể về giáo trình giảng dạy trên khắp đất nước. Hầu hết các nhà xuất bản trên toàn nước Mỹ đều xuất bản các giáo trình được giảng dạy ở Texas hoặc xuất bản những gì mà giới sư phạm ở bang này đề xuất.

Những người phản đối lo ngại rằng chương trình học trên toàn quốc sẽ bị ảnh hưởng theo hướng quá đề cao các giá trị bảo thủ trong đời sống chính trị và đời sống xã hội của Mỹ, trong khi các giá trị mang tính mở, cấp tiến và khoan dung hơn đã bị thu hẹp.

Trong khi những người đề xuất biện minh rằng họ muốn khôi phục lại khuynh hướng tự do trong giáo dục, thì không ít người cho rằng học sinh của một tiểu bang đông dân đứng thứ hai của nước Mỹ sẽ trở thành những người được chuẩn bị rất kém cho cuộc sống tương lai ngay tại Texas và cả trên thế giới trong thế kỷ 21 này.

XUÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục