(SGGP).- Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 84,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 56,1 tỷ USD, tăng cao ở mức 21,6%. Trong khi đó, nhập siêu những tháng qua đạt 577 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Đây là mức tăng nhập khẩu không quá cao so với mức tăng xuất khẩu và cán cân thương mại có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.
Cũng trong 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai thác đóng góp 0,05%; ngành chế biến, chế tạo 4,6%; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,55%... Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước đạt 1.705,9 ngàn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012. Chính điều này đã góp phần giảm sức ép tồn kho. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-8, toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%. Bộ Công thương đánh giá đây là mức tăng tồn kho thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm trước. Tuy nhiên, theo đánh giá, sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm và chưa rõ nét.
LẠC PHONG
- Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu thép, nhựa
(SGGP).- Bộ Tài chính cho biết, đang xem xét tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép, nhựa theo kiến nghị của một số doanh nghiệp. Cụ thể, nhựa nhập khẩu (loại polyester chưa bão hòa) sẽ chịu thuế nhập khẩu 5% (hiện là 0% hoặc 3%); thép dây, thép cây nhập khẩu sẽ chịu thuế 10% (hiện là 0%).
Trước đó, trong bản kiến nghị các doanh nghiệp nhựa cho biết, các nhà nhập khẩu nhựa đã khai báo nhựa nhập khẩu là polyester “dạng khác” để hưởng thuế suất 0%, tạo cạnh tranh không lành mạnh, nên đã kiến nghị tăng thuế lên mức 6% để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Những khai báo này có thể nhằm gian lận thương mại nên dự kiến tăng thuế để vừa bảo hộ sản xuất nội địa vừa chống gian lận. Tương tự, thép hiện có bốn mã hàng khác nhau dù đặc tính tương tự nhau, trong đó một mã hàng chịu thuế suất 10% do trong nước đã sản xuất được, ba mã hàng thuế suất 0% và các doanh nghiệp nhập khẩu luôn khai báo theo mã có thuế 0%. Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được thép ở ba mã hàng này nên cần tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước.
THẢO TIÊN
- Tăng cường kiểm tra sữa nhập khẩu
(SGGP).- Tổng cục Hải quan vừa có công văn số 4915/TCHQ-GSQL yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát xuất nhập khẩu đối với mặt hàng sữa.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị lưu ý đặc biệt những lô hàng sữa nhập khẩu từ New Zealand có nguy cơ chứa Clostridinum botulinum. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh trường hợp sữa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải báo cáo ngay cho Tổng cục Hải quan để được chỉ đạo xử lý kịp thời. Thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được cảnh báo từ nhiều quốc gia về những lô hàng sữa nhập khẩu có nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là sữa nhập khẩu từ New Zealand có chứa chất Clostridinum botulinum gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc để thu hồi các loại sữa nhiễm khuẩn trên, tuy nhiên vẫn có một số lượng nhỏ sữa đã đưa vào sử dụng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Mặc dù vậy, tại Việt Nam đến thời điểm này, vẫn chưa có phản hồi nào về trường hợp bị ảnh hưởng do sữa nhiễm khuẩn gây ra.
LẠC PHONG