(SGGPO).- Sáng nay 4-2, tại thành phố Auckland, New Zealand, Bộ Trưởng thương mại và kinh tế của 12 nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức ký vào văn bản này, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán để có thể bắt đầu thủ tục phê chuẩn tại mỗi nước. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đại diện cho Việt Nam tham gia lễ ký kết.
Phát biểu khai mạc lễ ký, Thủ tướng New Zealand John Key cho rằng, TPP giúp tự do hóa thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao thương trên khắp khu vực và về tổng thể sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho tất cả 12 nước thành viên (gồm Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Austrialia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam) cũng như công dân các nước này.
Sau lễ ký này, mỗi nước có thời gian 2 năm để thực hiện các quy trình nội bộ, hoàn tất thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội để TPP có hiệu lực. Thỏa thuận này sẽ chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước, chiếm tối thiểu 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của cả 12 nước, phê chuẩn. Điều này có nghĩa là thỏa thuận phải được quốc hội tại hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP là Mỹ và Nhật Bản thông qua.
Đại diện các quốc gia tham gia ký TPP
Ra đời từ năm 2005 với 4 thành viên Brunei, Chile, New Zealand và Singapore song TPP chỉ thực sự được chú ý sau khi Mỹ chính thức tham gia vào tháng 9-2008. Đến tháng 11-2010, Việt Nam chính thức là thành viên của TPP. Tiếp sau đó là một loạt các thành viên khác tham gia như Malaysia, Canada, Mexico, Nhật Bản. Việc Việt Nam tham gia TPP cũng là minh chứng cho thấy đây là thành công của TPP trong việc quan tâm đến các nước đang phát triển thông qua các biện pháp đa dạng để hỗ trợ trong việc thực thi các tiêu chuẩn cao của Hiệp định.
Trong khi đó, ở bên ngoài trung tâm SkyCity, nơi diễn ra lễ ký TPP tại thành phố Auckland, khoảng 1.000 người đã tập trung từ sáng sớm để biểu tình phản đối hiệp định này. Những người biểu tình cho rằng TPP chỉ đem lại lợi ích cho các công ty chứ không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng hay công nhân, đồng thời làm suy yếu chủ quyền của New Zealand. New Zealand đã phải huy động một lực lượng lớn cảnh sát với những hàng rào cảnh sát dày đặc đứng dọc các tuyến đường dẫn vào trung tâm SkyCity để đảm bảo an ninh cho lễ ký và ngăn chặn những người biểu tình quá khích.
|
PHƯƠNG NAM
>> Ứng phó thách thức, khai thác lợi thế TPP