Hiện nay, trên cả nước có hơn 2.100 trường dạy nghề do Bộ LĐTB-XH quản lý. Hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có trung tâm đào tạo nghề. Năm 2008, kinh phí dành cho hệ thống này là 1.000 tỷ đồng. Năm 2009, theo đề nghị của Bộ LĐTB-XH, kinh phí tăng lên 1.800 tỷ đồng.
Việc tăng kinh phí này nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; kiểm định chất lượng chất lượng dạy nghề; phát triển chương trình dạy nghề… Như vậy, có thể thấy mạng lưới trường dạy nghề đã phủ khắp, địa phương nào cũng có, kinh phí đầu tư không nhỏ, nhưng tại sao doanh nghiệp luôn kêu thiếu lao động có tay nghề? Không ít doanh nghiệp vì cần lao động có tay nghề, đã phải tuyển lao động phổ thông (trong đó nhiều người đã tốt nghiệp các trường dạy nghề) rồi bỏ kinh phí ra đào tạo lại. Điều này chứng tỏ, việc đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu doanh nghiệp, gây lãng phí không nhỏ.
Nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa dạy nghề. Thực tế chứng minh nhiều trường dạy nghề tư thục đã năng động, khép kín được “đầu vào – đầu ra” tạo được niềm tin đối với doanh nghiệp. Nhiều tỉnh, thành đã có quy hoạch cũng như chính sách hỗ trợ về đất, thuế, tín dụng để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dạy nghề. Thế nhưng sự phát triển đó vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa đào tạo và sử dụng để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Muốn giải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng, cái cần nhất hiện nay là có một cơ chế liên kết đào tạo giữa trường nghề và doanh nghiệp. Doanh nghiệp, từ nhu cầu của mình - phải tham gia ngay từ đầu quá trình đào tạo nghề cho người lao động. Đối với các trường nghề, cần phải năng động hơn trong việc tiếp thị doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu, ký kết các hợp đồng đào tạo và sử dụng theo yêu cầu, tiêu chuẩn, công nghệ của doanh nghiệp… “Công thức” đơn giản thế, sao các trường đào tạo nghề vẫn chưa áp dụng, để doanh nghiệp luôn kêu thiếu lao động, còn người lao động lại kêu… thiếu việc làm?
TRẦN TOÀN