
Ngày 29-3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TPHCM cho biết vừa triệt phá thêm một đường dây lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ viễn thông kết nối vào đường truyền điện thoại của các cơ quan pháp luật Việt Nam lừa tiền nhiều người bị hại.
Bị bắt ngay khi về Việt Nam
Từ đơn tố cáo của người bị hại, qua công tác điều tra, xác minh, ngày 25-3 các CB-CS Đội 8 Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TPHCM bắt giữ Chiu Yung Sheng (32 tuổi, quốc tịch Đài Loan, tạm trú huyện Bình Chánh) và Lâm Triệu Cường (50 tuổi, ngụ quận 5). Tại cơ quan công an, cả 2 khai nhận nằm trong đường dây giả danh các cơ quan pháp luật do một số đối tượng người Đài Loan tổ chức nhằm mục đích lừa tiền người Việt Nam. Cường đã mua và cung cấp thẻ ghi nợ quốc tế cho Chiu Yung Sheng sử dụng để lừa ông Đ.Đ.X. chuyển hơn 203 triệu đồng vào tài khoản, đổi lại Cường được Chiu Yung Sheng thỏa thuận sẽ chia 20% số tiền chiếm đoạt được.

Các đối tượng lừa đảo bị bắt giữ
Từ kết quả đấu tranh khai thác, ngày 28-3 các CB-CS Đội 8 PC46 Công an TPHCM bắt giữ thêm Trần Hữu Duy (25 tuổi, ngụ quận 11) và Lưu Bình (40 tuổi, ngụ quận 8). Tương tự, Duy cung cấp thẻ ghi nợ của các ngân hàng do mình đứng tên cho Bình sử dụng để rút hơn 162 triệu đồng do nhóm đồng bọn người Đài Loan - Trung Quốc lừa đảo của bà P.N.T. Đồng thời, biết Li, Hui - Yu (tên gọi khác là Lê Thị Hà, 35 tuổi, Việt kiều Đài Loan) sẽ từ Đài Loan về Việt Nam vào trưa 28-3, CB-CS Đội 8 PC46 Công an TPHCM ra sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đón lõng. Khi vừa đặt chân xuống sân bay, Hà bị bắt giữ khẩn cấp. Theo lời khai, nhiệm vụ của Hà trong đường dây là tìm mua thẻ ghi nợ quốc tế cung cấp cho đồng bọn sử dụng làm phương tiện chuyển tiền lừa đảo. Lần này, Hà được cử về Việt Nam gặp những đối tượng trong nước để gom tiền lừa đảo được, và lấy thêm thẻ ghi nợ quốc tế mang sang Đài Loan để tiếp tục tổ chức lừa đảo.
Mất tiền chỉ trong 5 phút
Đây là đường dây sử dụng công nghệ viễn thông lừa đảo xuyên quốc gia thứ 5 được Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TPHCM triệt phá trong 1 tháng rưỡi qua. Thủ đoạn chung của các băng nhóm này là sử dụng công nghệ viễn thông để kết nối vào đường truyền điện thoại của các cơ quan pháp luật Việt Nam (công an, viện kiểm sát) nhằm đánh lừa người bị hại, sau đó đe dọa và buộc người bị hại chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Để xác minh người bị hại có đi chuyển tiền theo yêu cầu hay không, những đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người bị hại đến quán cà phê gần ngân hàng hoặc yêu cầu đọc tên nhân viên thu ngân của ngân hàng để các “chân rết” kiểm tra. Sau khi tiền được người bị hại chuyển vào tài khoản, chỉ khoảng 5 phút sau các “chân rết” trong đường dây đến trụ ATM rút hết. Một phần số tiền này được đưa sang Campuchia “rửa tiền” tại các sòng bạc, biến thành tiền thắng bạc rồi đưa về Đài Loan. Đến nay, có 25 bị can, đối tượng (trong đó có 4 người Đài Loan) trong 5 đường dây bị bắt, khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Số người bị hại lên đến 33 người với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM đã phong tỏa khoảng 150 tài khoản tại các ngân hàng ACB, Sacombank, Vietcombank, VP Bank, OCB, HD Bank, Ngân hàng Quân đội... Số dư tại các tài khoản phong tỏa còn hơn 3 tỷ đồng.
Được biết, cảnh sát Đài Loan vừa thông tin cho phía Việt Nam biết đã bắt giữ một nhóm tội phạm sử dụng phương thức lừa đảo tương tự. Nhóm này tuyển mộ một số công nhân Việt Nam sang Đài Loan lao động nhưng sau đó nghỉ việc; hoặc cho người sang Việt Nam cưới vợ, khi cô dâu sang đến Đài Loan thì ép tham gia vào đường dây.
Liên quan trong đường dây khác - là đường dây lừa đảo đầu tiên bị Phòng PC46 Công an TPHCM triệt phá, 2 đối tượng Nguyễn Trần Hùng (27 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai, tạm trú quận Bình Tân); Lương Vũ Hoàng (26 tuổi, ngụ quận 6) cũng bị bắt khẩn cấp vào ngày 28-3. Kết quả điều tra ban đầu xác định sau khi nhóm đồng bọn người Đài Loan - Trung Quốc lừa đảo, ép buộc người bị hại chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định, Hùng và Hoàng dùng thẻ ghi nợ quốc tế đến các máy ATM rút số tiền này.
Mặc dù cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan báo chí nhiều lần thông tin nhưng vẫn còn một số người dân bị sập bẫy của các đường dây, băng nhóm sử dụng công nghệ viễn thông lừa đảo xuyên quốc gia. Trưa 29-3, bà N.T.N. (ngụ phường Bình Trưng Tây quận 2) đến Đội 8 PC46 trình báo về việc ngày 20-3 bị một đối tượng giả danh cán bộ của Công an TP Hà Nội hăm dọa bà liên quan đến một vụ án rửa tiền đang được điều tra, buộc bà chuyển 280 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng này chỉ định rồi chiếm đoạt. Do vậy, đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước những lời hù dọa vô căn cứ.
| |
ÁI CHÂN