Ngày 30-10, tại thủ đô Vienne của Áo đã khai mạc Hội nghị quốc tế mở rộng về giải quyết khủng hoảng Syria với sự tham gia của đại diện 17 nước. Đáng chú ý tại hội nghị này là sự tham gia của Trung Quốc và đặc biệt lần đầu tiên có đại diện của Iran để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria, với vấn đề mấu chốt là vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad đối với tương lai của đất nước Trung Đông này.
Toàn cảnh Hội nghị quốc tế mở rộng về giải quyết khủng hoảng Syria
Phương Tây thay đổi quan điểm
Việc Iran đồng ý tham dự một hội nghị quốc tế do Nga triệu tập được giới quan sát xem là thắng lợi ngoại giao của Nga, buộc Mỹ và các đồng minh phải thay đổi quan điểm, thừa nhận vai trò quan trọng của Iran trong khu vực.
Đây cũng nằm trong định hướng chung của Mátxcơva là thu hút tất cả các quốc gia chủ chốt trong khu vực tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Phát biểu tại cuộc họp trao đổi về vấn đề thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha), Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh sự tham gia lần đầu tiên của Iran vào các cuộc thảo luận tại Vienne, đồng thời kêu gọi các bên tham gia thể hiện sự linh hoạt để đạt được giải pháp cụ thể cho vấn đề Syria.
Hy vọng một lộ trình chuyển tiếp hòa bình
Một số nguồn tin phương Tây cho biết, Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn tiếp tục yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi và thảo luận chi tiết xây dựng chính phủ chuyển tiếp của Syria. Nhóm các nước này cũng dự định đưa ra vấn đề ngừng bắn, cụ thể là ngừng chiến dịch không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà Nga đang tiến hành tại Syria. Đây là hai đề nghị được coi là khó chấp nhận đối với Nga và Syria.
Trước thềm hội nghị này, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, tại cuộc họp diễn ra tối 27-10, Paris và các đồng minh đã nhóm họp và nhất trí cần phải có một thời gian biểu cụ thể đối với sự ra đi của Tổng thống Assad. Đối với cuộc họp lần này, tờ The Wall Street của Mỹ nhận định: “Mỹ đã thay đổi vị trí của mình trong cách giải quyết vấn đề về Syria, không còn thúc giục Tổng thống Assad từ chức ngay lập tức. Washington đang chuẩn bị để ông Assad tiếp tục nắm quyền cho đến khi một quá trình chuyển tiếp hòa bình được sắp xếp ổn thỏa”. Báo này tiết lộ các quan chức Nhà Trắng đã thảo luận về một nghị quyết với các đồng minh, như Thổ Nhĩ Kỳ, nhất trí vẫn “cho phép” Tổng thống Assad lãnh đạo Syria trong vài tháng hoặc thậm chí lâu hơn sau khi một thỏa thuận ngừng bắn đạt được.
Nhận định hội nghị quốc tế về Syria lần này, báo Sputnik News của Nga dẫn lời Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini: “Tôi tin tưởng rằng sẽ có một thỏa thuận nào đó, một cam kết có liên quan đến tất cả các bên tham gia. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng”. Tuy nhiên, cùng ngày 30-10, trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn ITAR - TASS trước khả năng Mỹ phát động một chiến dịch trên bộ ở Syria như tờ Wall Street Journal tiết lộ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố: “Không quốc gia nào có thể sử dụng sức mạnh quân sự ở Syria mà không có sự đảm bảo trước tiên bằng thỏa thuận với Chính phủ Syria”.
|
HẠNH CHI (tổng hợp)