(SGGPO). - 12 giờ trưa 15-5, hiện trường xảy ra sự cố sập một góc Phu Văn Lâu trước mặt kinh thành Huế đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế dùng dây thừng và biển hiệu phong tỏa tránh gây nguy hiểm cho người dân và du khách. Trung tâm đồng thời cử nhân viên trực tiếp giám sát, hướng dẫn du khách tránh vào khu vực xảy ra sự cố.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGPO, người bảo vệ đang có mặt tại hiện trường cho biết, việc đổ sụp Phu Văn Lâu diễn ra từ sáng 15-5. Rất may lúc sập không có ai qua lại. Tại hiện trường, góc trái phía sau Phu Văn Lâu, phần mái đổ sụp xuống với một đống ngói vỡ và gỗ mục ngổn ngang cùng một một cột đỡ là cây gỗ tròn dài khoảng 3m, đường kính hơn 0,2m. Hiện các hạng mục khác của công trình này gồm các liên kết cột, vì kèo và các thanh đà cũng có dấu hiệu rệu rã vì mối mọt.
Phu Văn Lâu là một tòa lầu nằm trên trục chính của Hoàng Thành Huế, được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long nằm gần bờ Bắc sông Hương, tại dải đất chạy ngang qua trước mặt kinh thành Huế và ở ngay trên trục chính của quần thể kiến trúc cố đô Huế: Điện Thái Hòa - Ngọ Môn - Kỳ Đài - Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình - Hương Giang - Ngự Bình. Tòa lầu này dùng làm nơi niêm yết các văn bản mà triều đình nhà Nguyễn cần bố cáo cho thần dân được biết: những chiếu chỉ của nhà vua hay bảng kết quả các cuộc thi Hội, thi Đình.
Ngoài ra, đây cũng là nơi triều đình tổ chức các cuộc lễ khánh hỷ mang tính quốc gia có sự hiện diện của nhà vua, triều thần và dân chúng.
Tại vị trí Phu Văn Lâu trước đây, triều đình nhà Nguyễn (đầu thời Gia Long) đã cho xây một công trình kiến trúc tương đối nhỏ, mang tên Bảng Đình (Đình treo bảng). Đến năm 1819 cũng dưới thời Gia Long được thay thế bằng một tòa nhà hai tầng và đổi tên thành Phu Văn Lâu. Năm 1843, vua Thiệu Trị cho dựng nhà bia bên tay phải lầu để khắc bài thơ “Hương Giang hiểu phiếm” (Buổi sớm bơi thuyền trên sông Hương).
Trong thời gian tồn tại, Phu Văn Lâu được trùng tu khoảng 10 lần, lần sớm nhất vào năm 1905 (sau cơn bão năm Thìn, 1904, Phu Văn Lâu bị hư hỏng nặng), lần gần đây là vào năm 1994, 1995. Qua nhiều lần trùng tu nhưng về phương diện kết cấu kiến trúc không có gì thay đổi đáng kể.
Phu Văn Lâu là một công trình kiến trúc cao 11,67m, mái lợp ngói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly), tòa nhà có 16 cột sơn màu đỏ sậm (4 cột chính xuyên suốt cả hai tầng, 12 cột quân), có hệ thống lan can bao xung quanh, không gian tầng dưới hoàn toàn để trống. Tầng hai, bốn mặt đều dựng đố bản, kiểu đồ lụa khung tranh, hai bên trổ cửa sổ tròn, lan can bên ngoài bằng gỗ, trên của sổ mặt tiền có treo hoành phi sơn son thếp vàng, trang trí dây lá cách điệu “lưỡng long triều nguyệt”. Trong lần tu sửa năm 1974, người ta đã thay thế một số kết cấu gỗ cột, kèo, xuyên bằng xi măng cốt thép.
Phu Văn Lâu là một tác phẩm tạo hình xinh đẹp của triều Nguyễn, một di sản đặc sắc trong quần thể kiến trúc Cố đô Huế.
Văn Thắng