“Sắp xếp” lại các khu công nghiệp

TPHCM đang thực hiện đề án Điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020 để phù hợp hơn với tình hình phát triển thực tế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cũng như thu hút đầu tư. Sắp tới sẽ có nhiều sự thay đổi đối với các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). 
Sẽ có nhiều sự thay đổi đối với các khu công nghiệp tại TPHCM. (Trong ảnh: Khu công nghiệp Tân Bình). Ảnh: CAO THĂNG
Sẽ có nhiều sự thay đổi đối với các khu công nghiệp tại TPHCM. (Trong ảnh: Khu công nghiệp Tân Bình). Ảnh: CAO THĂNG
Trước đó, TP đã quy hoạch quỹ đất dành xây dựng các KCN là 7.000ha và CCN là 1.900ha. Trong quá trình thực hiện, KCN Phú Hữu (quận 9, diện tích 80ha) đã được xóa quy hoạch để điều chỉnh thành khu dân cư.
Xóa 3 KCN treo, thêm 1 KCN mới
Nối tiếp KCN Phú Hữu, vừa qua UBND TP cũng đã chấp thuận xóa quy hoạch 3 KCN là Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Phước Hiệp và Bàu Đưng (Củ Chi), tổng diện tích 657ha, vì chậm bồi thường giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Tuy nhiên, theo Quy hoạch xây dựng các KCN đến năm 2020, tầm nhìn 2025 thì tổng diện tích các KCN là 7.000ha. Vì thế, để đảm bảo quỹ đất KCN, TP đã nghiên cứu và bổ sung KCN Phạm Văn Hai (Bình Chánh) diện tích 768ha, gồm 668ha đất công nghiệp và 100ha đất khu dân cư liền kề phục vụ KCN. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV và Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn được giao làm chủ đầu tư dự án. 
Liên quan đến việc điều chỉnh này, mới đây Bộ Xây dựng đã gửi văn bản góp ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó nhận xét, việc đưa 3 KCN ra khỏi quy hoạch sẽ ảnh hưởng cục bộ tới định hướng phát triển không gian các KCN trên địa bàn TPHCM và khu đô thị mới tại 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn. Cho nên, trong đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN cần bổ sung, làm rõ những tác động của việc điều chỉnh quy hoạch các KCN đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị đang được triển khai thực hiện và cần phải thực hiện điều chỉnh theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, khu vực dự kiến bố trí KCN Phạm Văn Hai bị chia cắt bởi tuyến đường vành đai 3 và đường Tây Bắc mở rộng sẽ ảnh hưởng kết nối giao thông trong khu, nên TPHCM cần khảo sát và nghiên cứu kỹ vị trí này. Đồng thời, phải báo cáo rõ: Các loại hình công nghiệp dự kiến được hoạt động trong KCN này để làm cơ sở đề xuất giải pháp quy hoạch xây dựng phù hợp; các chỉ tiêu diện tích giao thông - cây xanh, phân định rõ đất cây xanh vườn hoa với đất cây xanh cách ly, cũng như đất cây xanh thuộc công trình đầu mối giao thông trong đô thị theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Bộ Xây dựng cũng lưu ý TP về việc xác định rõ phạm vi ranh giới KCN và khu đô thị dịch vụ liền kề phục vụ KCN, để đảm bảo tuân thủ các quy định về lưu trú, tạm trú trong KCN theo quy định của pháp luật.
Giảm quy mô
Ngoài việc xóa quy hoạch, TPHCM còn điều chỉnh giảm quy mô một số KCN khác. Cụ thể, UBND huyện Củ Chi cho hay đang phối hợp cùng các sở ngành liên quan xem xét để xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP về việc điều chỉnh quy hoạch KCN Tây Bắc Củ Chi mở rộng từ 173ha xuống còn 73ha. KCN Tây Bắc Củ Chi phần mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2005 và UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 vào năm 2011, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp thương mại Củ Chi làm chủ đầu tư. Nhưng cho đến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục đầu tư để triển khai dự án, trong khi một phần diện tích dự án có nhà ở hiện hữu của người dân sinh sống ổn định. Cuối năm 2016, chủ đầu tư có văn bản đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm quy mô phần mở rộng xuống 73ha, đưa khu dân cư hiện hữu ra ngoài ranh dự án. UBND huyện đã thống nhất hướng điều chỉnh này. Tương tự, KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 cũng đang được rà soát, xem xét điều chỉnh giảm diện tích.
Còn đối với CCN, TPHCM điều chỉnh giảm từ 30 CCN (diện tích 1.900ha) xuống còn 6 CCN (331ha), trong đó chuyển 2 CCN An Hạ và Cơ khí ô tô thành KCN, đưa ra khỏi quy hoạch 22 CCN để chuyển thành chức năng sử dụng đất khác.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, câu chuyện của KCN Xuân Thới Thượng, Bàu Đưng qua nhiều năm vẫn không kêu gọi được đầu tư là do chưa được làm hạ tầng, kết nối giao thông kém. Mở rộng ra, hiện nay vận chuyển hàng hóa từ các KCN, CCN bằng đường bộ là chủ yếu, chưa khai thác các loại hình khác như đường thủy, đường sắt, đường hàng không… Vì thế, trong tương lai cần chú trọng khai thác, phát triển các phương tiện giao thông có sức chở lớn như giao thông thủy, đường sắt… để vận chuyển hàng hóa từ các KCN, CCN đến các cảng; đồng thời giúp giảm ùn tắc đường bộ, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài nắm đến 90% thị trường dịch vụ logistics, do đó xu thế đầu tư phát triển logistics tại các KCN, bố trí các kho ngoại quan, giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là rất cần thiết.
Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ trong báo cáo “Chẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, kết nối hạ tầng giữa các cảng biển, đường bộ, hàng không và đường sắt vẫn còn thiếu đồng bộ. Chi phí vận chuyển ngày càng kém cạnh tranh khi quá phụ thuộc vào vận tải đường bộ, còn vận tải đường sắt và đường thủy thì kém phát triển. Chi phí vận tải thuê ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp Việt Nam: ước tính khoảng 28% tổng chi phí của doanh nghiệp là chi cho dịch vụ vận tải. Nếu không có các chính sách trung hạn phát triển đồng bộ thì hạ tầng sẽ là điểm nghẽn đối với sự phát triển nền kinh tế đô thị Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục