Sau 1 tuần tăng giá xăng dầu: Giá nhiều mặt hàng thiết yếu ổn định

Thực phẩm đứng giá
Sau 1 tuần tăng giá xăng dầu: Giá nhiều mặt hàng thiết yếu ổn định

Giá bán hầu hết mặt hàng thiết yếu tại siêu thị vẫn ổn định. Thế nhưng, tại một số cửa hàng và một số loại hình dịch vụ đã có dấu hiệu tăng giá.

Thực phẩm đứng giá

Từ tuần tới, taxi Vinasun sẽ tăng giá cước từ 10.000 đồng/km lên 10.500 đồng/km. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Từ tuần tới, taxi Vinasun sẽ tăng giá cước từ 10.000 đồng/km lên 10.500 đồng/km. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ngày 15-6, ghi nhận của PV Báo SGGP cho thấy, tại một số chợ bán lẻ ở khu vực các quận 3, Bình Thạnh và Gò Vấp, giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu như thịt gà, thịt bò, thịt heo, gạo, đường, đậu… đều đứng giá.

Tại các cửa hàng thịt gia cầm ở khu vực chợ Bàn Cờ (quận 3), trứng gia cầm của 2 Công ty CP và Giống Gia cầm Miền Nam vẫn không đổi: cánh gà 34.000 đồng/500g; đùi gà tỏi, đùi gà 1/4 26.000 đồng/kg; má đùi gà 25.000 đồng/kg; trứng gà 14.000 - 16.000 đồng/chục.

Tại chợ Đa Kao (quận 1), thịt bò phi lê giá đứng ở mức 120.000 - 130.000 đồng/kg. Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch cúm A/H1N1 nên giá heo hơi hiện giảm 2.000 đồng/kg còn 38.000 đồng/kg, theo đó các sản phẩm thịt heo các loại như thịt đùi, thịt ba rọi, thịt nạc… cũng giảm 1.000 - 5.000 đồng/kg.

Nhiều mặt hàng tại các siêu thị ở TPHCM vẫn bình ổn giá (Ảnh: Chọn mua hàng tại CoopMart Cống Quỳnh ngày 15-6). Ảnh: Đức Trí

Nhiều mặt hàng tại các siêu thị ở TPHCM vẫn bình ổn giá (Ảnh: Chọn mua hàng tại CoopMart Cống Quỳnh ngày 15-6). Ảnh: Đức Trí

Đối với các loại rau củ quả, do đang vào mùa thu hoạch nên lượng hàng về TP khá nhiều, giá đang có xu hướng giảm. Cụ thể, chanh, tỏi, củ hành, cải bẹ xanh, cải ngọt, khổ qua, cà chua… giá giảm bình quân 2.000 - 5.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thu Nga, bán rau xanh tại chợ Bàn Cờ cho biết: “Hàng hóa về nhiều nhưng sức mua khá chậm. Không giảm giá bán thì thôi chớ tôi có dám tăng giá đâu!”.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng thủy hải sản về trong ngày 15-6 ở mức 570 tấn, giảm khoảng 7 tấn so với tuần trước. Do sức mua chậm nên giá bán sỉ hầu hết các loại thủy hải sản vẫn đứng và đang trong xu hướng giảm. Theo đó, giá các loại trái cây cũng giảm 4.000 - 7.000 đồng/kg do đang rộ mùa.

Tương tự, tại hệ thống các siêu thị như Co.opMart, Big C, Citimart, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, bột giặt… vẫn ổn định.

Dịch vụ tăng giá

Trong khi hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với tháng trước nhưng với lý do giá xăng tăng, nhiều nơi đã tự điều chỉnh giá nhiều loại dịch vụ tăng vọt một cách vô lý. Tăng giá mạnh nhất kể từ khi giá xăng tăng là giá dịch vụ vận chuyển và cho thuê xe du lịch.

Cụ thể tại khu vực quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, theo ghi nhận của chúng tôi, trước dịp lễ 30-4 và 1-5, giá thuê một chiếc xe Innova đi trong ngày từ TPHCM về Tiền Giang hoặc Đồng Tháp là 1 triệu đồng/chuyến thì nay tăng lên 1,2 triệu đồng.

Tương tự, giá thuê các loại xe khác như Mercedes, Ford Escape gần đây cũng có mức tăng tương ứng. Tại chợ Bàn Cờ, trước đây một tô bún măng vịt giá chỉ có 16.000 đồng thì nay lên 20.000 đồng/tô; tại nhiều quán cà phê wifi và cà phê nhạc sống trên địa bàn TP, các loại thức uống đã bị đẩy lên ở mức khá cao, 45.000 - 75.000 đồng/món.

Tại các cửa hàng tạp hóa, một số mặt hàng công nghệ phẩm cũng đã bị làm giá, trong khi đó giá gốc của các công ty đưa ra vẫn không tăng.

Tăng cường kiểm soát

Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong rổ hàng hóa gồm hàng chục mặt hàng thì giá một số hàng hóa trên thị trường tăng giảm là bình thường. Thế nhưng, để loại trừ yếu tố tăng giá theo dạng “té nước theo mưa” và tăng đột biến, UBNDTP đã giao cho Sở Công thương TP (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Xử lý những biến động bất thường thị trường TP) hàng tháng họp với các siêu thị, 3 chợ đầu mối và các DN có lượng hàng hóa chi phối lớn trên thị trường để nắm bắt tình hình giá cả, sức mua thị trường báo cáo lại cho Ban chỉ đạo.

Ngoài ra, hàng tháng Ban chỉ đạo cũng sẽ họp với các cơ quan truyền thông để nắm bắt và tiếp nhận thông tin từ 2 phía. Trên cơ sở này, Ban chỉ đạo sẽ có sự điều phối, chỉ đạo định hướng hành động khi có sự cố xảy ra nhằm ổn định thị trường. “Trong quá trình điều hành, chúng tôi không thể với tới tất cả các mặt hàng mà chỉ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Theo đó, TP cũng chỉ đạo cho các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý những biến động về giá có thể xảy ra. Trong trường hợp phát hiện vi phạm về giá, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm, đồng thời đưa các đối tượng này vào để điều chỉnh truy thu thuế” – bà Hồng nhấn mạnh.

Thúy Hải – Mai Thi

Tin cùng chuyên mục