Bão sẽ suy yếu thành áp thấp khi đi vào Nghệ An – Quảng Trị
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cập nhật đến 17 giờ chiều 22-10, bão số 8 đang có dấu hiệu di chuyển chậm lại.
Vào hồi 16 giờ chiều 22-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ vĩ Bắc - 115,8 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 200km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến chiều 24-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc - 110,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến chiều 25-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc - 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị.
Trong 72 đến 84 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đánh giá về cơn bão số 8
Theo thông tin từ các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, bão số 8 nằm trong rãnh thấp có trục đi qua Nam bộ hoạt động yếu, phía Bắc có tác động yếu của không khí lạnh.
Hiện nay, khu vực bão số 8 đang hoạt động có nhiệt độ bề mặt nước biển khá cao (29°C), vùng ven bờ thì khoảng 27-28°C.
Cấp độ của bão số 8 vào chiều 22-10 là cấp 10-11 nhưng sẽ tiếp tục mạnh lên trong 24 giờ tới, mạnh nhất khi hoạt động gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (cấp 11-12, giật cấp 14); khi vào bên trong kinh tuyến 112 thì bão số 8 sẽ có xu hướng suy yếu dần.
Có thêm áp thấp nhiệt đới
Theo ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, trong khi cơn bão số 8 đang trên Biển Đông thì hiện ở phía Đông Philippines lại đang hình thành một nhiễu động trên nền dải hội tụ nhiệt đới và có thể phát triển thành áp thấp nhiệt đới.
Vì vậy, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia đang theo dõi chặt chẽ áp thấp nhiệt đới này và sẽ cảnh báo khi áp thấp nhiệt đới này đi vào Biển Đông.