Dịch viêm màng não lan rộng tại Mỹ do nhiễm nấm từ một loại thuốc đang là hồi chuông cảnh báo cho hệ thống kiểm soát dược phẩm nước này, gây ra những lo ngại về tác dụng từ những loại thuốc chữa bệnh lưu hành tại thị trường Mỹ. Dư luận Mỹ chỉ trích Quốc hội đã nuông chiều các công ty dược và kêu gọi thắt chặt kiểm soát dược phẩm trên toàn quốc.
Lỗ hổng từ pháp lý
Theo hãng tin AP, tính đến ngày 13-10, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố số liệu cho thấy ít nhất đã có 14 người chết và 184 người tại 12 bang nhiễm các triệu chứng của bệnh viêm màng não. Các điều tra sơ bộ cho thấy những người mắc bệnh viêm màng não do nấm đều đã tiêm loại thuốc có chứa chất steroid đặc trị chứng đau lưng do công ty dược phẩm New England ở bang Massachusetts sản xuất. Hiện công ty này đã cho thu hồi toàn bộ sản phẩm của mình và ngừng mọi hoạt động sản xuất. Đáng lo ngại là số người bị nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do có đến 13.000 người đã tiêm loại steroid của New England.
Hiện nay, các cơ quan chức năng Mỹ đang mở cuộc điều tra trên diện rộng và tiến hành thêm các thử nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh viêm màng não nói trên, song theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), người ta đã tìm thấy nấm nhiễm khuẩn ở lọ thuốc thủy tinh đóng nhãn tại phân xưởng của New England. Theo Reuters, một số lượng chưa rõ thuốc này đã được chuyển đến 75 bệnh viện và những cơ sở khác tại 23 bang vào giữa tháng 7 và tháng 9. Chính phủ Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra và đã đưa ra cảnh báo cho các bác sĩ, bệnh viện không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào do công ty dược phẩm trên sản xuất.
Đòi tăng quyền cho cơ quan giám sát
Sau khi dịch viêm màng não bùng phát, dư luận Mỹ đã bày tỏ sự lo ngại và yêu cầu Quốc hội thắt chặt các quy định liên bang đối với những công ty dược phẩm từng bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra những “tai nạn đáng tiếc” cho hàng loạt bệnh nhân. Tuy nhiên, dư luận cũng hoài nghi về tiến trình ban hành những đạo luật mới bởi lẽ Quốc hội Mỹ bị đánh giá là đang hoạt động kém hiệu quả vì những tranh cãi thường thấy từ hai phe Cộng hòa và Dân chủ cũng như bị các công ty mua chuộc để làm luật có lợi cho họ.
Đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ bị yêu cầu phải ban hành những điều luật khắt khe hơn trong ngành dược phẩm. Nỗ lực đã được đưa ra từ những năm 1990, nhưng đã bị những công ty dược phẩm có tiếng nói đẩy lùi và để lại hậu quả là những luật quy định mang tính chắp vá, giá trị pháp lý chồng chéo và không có quy định rõ ràng về quyền hạn của FDA đối với việc kiểm soát ngành dược phẩm Mỹ.
Ngành dược phẩm Mỹ là một trong những ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận cao trong thời buổi suy thoái hiện nay, với tổng giá trị lợi nhuận hàng năm lên đến 3 tỷ USD và hệ thống phân phối thuốc bán lẻ có quy mô lớn với 7.500 cửa hàng dược phẩm. Cũng theo hãng tin AP, trước thực trạng trên, Bộ Y tế và Dịch vụ con người và các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đều đã lên tiếng bày tỏ lo ngại và yêu cầu tổ chức các cuộc điều trần để tìm hiểu nguyên nhân và ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh gây chết người này.
Đại diện của Bộ Y tế và Dịch vụ con người đang tham gia điều tra vụ việc này, đã lên tiếng kêu gọi quốc hội gia tăng quyền hạn cho FDA nhằm ngăn chặn tái diễn các tình huống tương tự. Một số nghị sĩ Quốc hội cũng cam kết sẽ giới thiệu các dự luật nhằm tăng quyền hạn của FDA trong việc kiểm soát dược phẩm. Trong một bức thư gửi đến FDA, Hạ nghị sĩ Edward Markey thuộc Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ đã bày tỏ quan ngại về pháp lý trong việc giám sát các công ty dược. Ông nhấn mạnh FDA cần phải có thẩm quyền ngăn chặn những công ty dược phẩm sử dụng các nguyên liệu chưa được kiểm chứng chặt chẽ.
THANH HẰNG (tổng hợp)