Phía nguyên đơn cho rằng, ngành dược phẩm Mỹ đã tiến hành các chiến dịch tiếp thị quảng bá sản phẩm hạ thấp khả năng gây nghiện của nhóm thuốc giảm đau Opioid, nhóm thuốc kê theo đơn, vốn có thành phần hóa học như heroin.
Trên thực tế, sau khi sử dụng nhóm thuốc Opioid để giảm đau, phần lớn bệnh nhân đã nghiện các loại thuốc này như nghiện ma túy. Cho dù bác sĩ đã ngừng kê đơn thuốc Opioid sau điều trị, nhưng rất nhiều bệnh nhân đã bị nghiện và chuyển sang sử dụng heroin với giá thành rẻ hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi thực trạng nghiện thuốc giảm đau Opioid là một vấn đề đáng báo động tại nước Mỹ, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp y tế cấp quốc gia.
Tiến sĩ Andrew Kolodny, đồng Giám đốc nghiên cứu về thuốc giảm đau Opioid thuộc Đại học Brandeis, cho rằng tại Mỹ đang có quá nhiều trường hợp tử vong vì sử dụng thuốc giảm đau quá liều.
Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, kể từ năm 2000 đến nay, trên 300.000 người đã thiệt mạng do nghiện thuốc giảm đau nhóm Opioid. Các chuyên gia y khoa khuyến cáo, việc kê đơn thuốc giảm đau nhóm Opioid cần phải thận trọng và chỉ sử dụng cắt cơn đau đối với các bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối.
Dù vậy, những hãng dược cung cấp thuốc giảm đau nhóm Opioid và các bác sĩ kê đơn vẫn phớt lờ. Phía nguyên đơn cho rằng, các hãng dược đã bắt tay cùng các bác sĩ đặt lợi nhuận lên trước sinh mạng của người bệnh. Để siết chặt hơn trong việc kiểm soát việc kê đơn thuốc giảm đau có chất ma túy, Bộ Tư Pháp Mỹ ra thông báo, nếu một bác sĩ kê thuốc giảm đau gây nghiện vì mục tiêu kiếm lời, hay một dược sĩ để thuốc lọt ra ngoài một cách gian lận, họ sẽ bị truy tố.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã bổ nhiệm 12 công tố viên, có trách nhiệm điều tra về các gian lận trong ngành y và đưa những người vi phạm ra tòa án. Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố hơn 400 người, trong đó có các bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện không cần thiết cho điều trị cũng như các nhà thuốc bán các loại thuốc như vậy cho những người nghiện.
Thống kê do Viện Nghiên cứu quốc gia về lạm dụng thuốc của Mỹ đưa ra cho thấy, trên thế giới hiện có gần 36 triệu trường hợp đang nghiện hoặc lạm dụng thuốc giảm đau. Dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng Mỹ tiêu thụ đến 80% tổng lượng thuốc giảm đau gây nghiện toàn cầu.
Thống kê còn chỉ rõ, thời gian nằm viện càng lâu bệnh nhân càng dễ có nguy cơ phụ thuộc vào thuốc giảm đau. Để hạn chế tình trạng trên, một chiến dịch giảm thiểu số bệnh nhân lạm dụng thuốc giảm đau đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều trường đại học y ở Mỹ.
Các khóa học chuyên đề trong chiến dịch này giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng và tâm lý của bệnh nhân khi dùng thuốc giảm đau và giúp họ có nhận thức đúng đắn về thuốc giảm đau. Một số bệnh viện ở Mỹ cũng đang bắt buộc áp dụng các biện pháp thay thế thuốc giảm đau trong quá trình điều trị chấn thương.