Người đi “xin đất”
Nằm ở cuối huyện Nhà Bè (TPHCM), chỉ cách tỉnh Long An vài bước chân, hầu hết những con hẻm ở ấp 4, xã Nhơn Đức đều ngoằn ngoèo, nhỏ xíu hoặc gập ghềnh đất đá, riêng hẻm 1959 đường Lê Văn Lương cao ráo, khang trang, nổi bật hẳn giữa vùng chiêm trũng. Chỉ vào con hẻm rộng 6m, dài 1km, trải bê tông, anh Võ Thanh Phong (ngụ 11/11 hẻm 1959) bảo: “Hẻm được như vậy là nhờ công sức của bà Thanh nhiều lắm. Không có bà Thanh thì hẻm này chẳng khác nào chiếc đồng hồ cát, chỗ phình, chỗ hẹp”.
Bà Thanh mà anh Phong nhắc đến là bà Huỳnh Ngọc Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4, Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản 11 (ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè). Bà Thanh cho biết, trước đây hẻm 1959 là con đường đất chỉ rộng chừng 1m, dài khoảng 1km nằm giữa khu đồng ruộng. Khi nhiều gia đình tới đây sinh sống, hẻm được đổ đất đỏ, nơi rộng 2m, nơi được gần 3m. Năm 2012, huyện có chủ trương chọn hẻm 1959 xây dựng hẻm kiểu mới với quy hoạch mặt hẻm tới 6m.
“Nghe quy hoạch thành hẻm kiểu mới, tôi mừng lắm. Tưởng tượng cảnh đám trẻ trong xóm sẽ được đi học trên con đường sạch đẹp như trong thành phố chứ không phải bì bõm trên con hẻm mà trời nắng thì đất đỏ bụi mù, mưa thì sình vây tứ phía, tôi lại trông cho nhà nước sớm làm. Nhưng khi huyện thông báo, nhà nước chỉ có kinh phí làm hẻm, không có kinh phí đền bù mặt bằng để mở rộng, nhiều gia đình không chịu lùi đất nhường đường. Thấy cái lợi của mở rộng hẻm, tôi tự nguyện vào ban vận động để kêu gọi người dân hiến đất”, bà Thanh kể.
Vậy là hàng ngày, ngoài công việc lo kinh tế gia đình và hoạt động trong hội phụ nữ, bà Thanh đảm nhiệm cả việc đi “xin đất”. Thời điểm đó, đất đai khu này bắt đầu có giá, để mở rộng hẻm, có nhà hiến 10m2, cũng có nhà phải hiến 60-70m2, bởi vậy mà công cuộc “xin đất” của bà Thanh không dễ. Mất nhiều tháng, bà Thanh lân la tới từng nhà, thăm dò thái độ của từng gia đình rồi mới dám mở lời. “Tôi cùng mọi người trong ban vận động đội nắng, đội mưa gõ cửa từng nhà, người phân tích, người tỉ tê, mưa dầm thấm lâu, nhiều ngày trời họ mới đồng ý hiến đất làm hẻm”, bà Thanh kể.
Là một trong những hộ từ chối hiến đất, bà Võ Thị Sái cho biết, để mở rộng hẻm, nhà bà mất vài chục mét vuông đất, với người dân vùng nông thôn, đó là tài sản không nhỏ. Hiểu suy nghĩ của họ, bà Thanh phân tích những hơn, thiệt khi mở rộng hẻm bằng lời lẽ thấu đáo, bằng những tính toán cụ thể. Cùng với sự kiên trì, nhẫn nại, sau hơn 2 tháng miệt mài như vậy, gia đình bà Sái mới gật đầu cho ủi vườn nâng hẻm.
Ngày thông xe toàn tuyến hẻm, xe cộ qua lại thoải mái mà vẫn còn chỗ để người già tản bộ, đám trẻ chạy nhảy nô đùa, người dân trong hẻm lại tấm tắc khen: “Đất nhà hẹp đi cũng tiếc thiệt nhưng nhìn đường sá bây giờ đã hen. Hồi đó bà Thanh không thuyết phục, giải thích cặn kẽ thì chúng tôi đâu hiểu ra”.
Sau thành công khi vận động các hộ dân hiến hàng ngàn mét vuông đất ở hẻm 1959, năm 2017, 2018, bà Thanh tiếp tục vận động người dân hẻm 1991 và hẻm 2012 Lê Văn Lương hiến đất mở rộng hẻm.
Xin của người có, tặng cho người khó
Người dân Khu phố 1, phường 9, quận 11 có câu “Việc gì khó, có bà Nhã lo”, cũng bởi vậy mà việc chung nào cũng đến tay bà Trần Thị Thanh Nhã (Trưởng ban Công tác mặt trận, Bí thư Chi bộ Khu phố 1). Riết thành quen, cứ có khó khăn là mọi người tìm đến nhờ bà tháo gỡ. Người dân khen bà “giỏi về mọi mặt” nhưng bà Nhã không nhận. Bà bảo: “Thực ra là bà con cùng làm hết, tôi chỉ được cái tự giác làm gương trước. Mình có chân thành thì bà con mới ủng hộ. Không có bà con, tôi như bị bó chân, bó tay, không thể làm được gì”.
Nói thì nói vậy, nhưng cái chính bà Nhã không nề hà bất cứ việc gì. Hễ ở đâu có người khó là bà tìm cách giúp đỡ, ai nhờ điều gì bà phải làm cho bằng được. Mới đây, anh Nguyễn Đức Thịnh (Chủ tịch Hội Người mù quận 11) gọi điện thoại nhờ bà Nhã xin giùm mấy phần quà Tết Nguyên đán 2019 tặng anh chị em trong hội, gọi là có chút quà cho ấm lòng. Dù quỹ của Khu phố 1 vừa được chi hết vào đợt chăm lo tết cho người nghèo nhưng bà Nhã mạnh dạn nhận lời. Nói là làm, vừa cúp điện thoại của anh Thịnh, bà bàn giao bữa cơm chiều đang nấu dở trên bếp cho cô con gái rồi đội nón đi gõ cửa từng nhà. 2 ngày sau, bà đã vận động được 7 triệu đồng gửi tặng Hội Người mù quận 11.
Bà Nhã tâm sự: “Cũng phải thế nào anh chị em mới tìm tới mình, bản thân chưa cố gắng mà đã từ chối thì áy náy lắm. Tôi cứ nghĩ vậy nên ai nhờ việc gì là tôi cố gắng hết sức, làm được đến đâu hay đến đó. Nhưng tánh tôi kỳ lắm, việc gì làm không được là bứt rứt không yên, bởi vậy mà tôi cứ xoay đầu này đầu kia, được cái có uy tín trong khu phố nên ít nhiều gì công việc tôi làm đều có kết quả tốt”.
Bà Nhã không mấy khi để đầu óc rảnh, bà không nghĩ cách gây quỹ, tạo nguồn thu cho khu phố thì lại nghĩ đến các hoạt động chăm lo cho người dân. Ở Khu phố 1, nhiều người có biểu hiện của bệnh tâm thần nhưng “không nằm trong khung nào” nên không thuộc diện được nhà nước chăm lo. Bà Nhã bàn với ban điều hành khu phố trích quỹ tặng và vận động người nhà đưa họ đi thăm khám. Có danh sách, bà và đại diện khu phố xuống tận nơi thăm, tặng quà rồi tỉ tê với người nhà, khuyên họ bớt chút thời gian đưa người thân đi khám bệnh. Cứ vài ngày bà lại tới thăm hỏi một lần, nhờ vậy mà nhiều người được thăm khám, uống thuốc đều đặn nên tinh thần cũng ổn định hơn.
Để lan tỏa hoạt động này, bà mời cả đại diện khu phố láng giềng cùng tham gia. Từ đó, nhiều người có biểu hiện tâm thần ở các khu phố khác trong quận 11 cũng được quan tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần.
Với tâm niệm sẻ chia là gắn kết, bà Nhã cật lực làm cầu nối giữa người có đến với người khó. Nhờ vậy mà dù tất bật mưu sinh nhưng cuộc sống của người dân trong Khu phố 1 luôn lan tỏa tấm lòng nhân ái, đùm bọc nhau. Ngoài những hộ nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được chăm lo thường xuyên thì những gia đình khó khăn có người bị đau bệnh, những em học sinh nghèo vượt khó hay những công việc cần sự chung tay, chỉ cần bà Nhã lên tiếng là cộng đồng Khu phố 1 luôn sẻ chia kịp thời.