Sẻ chia từ “serie 0 đồng”

Cửa hàng 0 đồng, Lớp Anh văn 0 đồng, Chuyến xe 0 đồng, Bữa ăn 0 đồng… những dự án ý nghĩa này do anh Phạm Đức Hùng (sinh năm 1991, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) và nhóm tình nguyện viên trẻ dành nhiều tâm huyết thực hiện. Bà con xung quanh gọi vui các dự án này là “serie 0 đồng”.
Anh Phạm Đức Hùng (bìa trái) và các tình nguyện viên tổ chức Bữa ăn 0 đồng
Anh Phạm Đức Hùng (bìa trái) và các tình nguyện viên tổ chức Bữa ăn 0 đồng

Nghĩ cho người khó khăn

Đang vất vả đẩy chiếc xe đạp cũ chở chồng chất những chai nhựa, thùng giấy trên đường, cô Nguyễn Thị Loan (52 tuổi, ngụ đường 59, quận Gò Vấp, làm nghề buôn bán ve chai) cảm động khi được các thành viên trong Cửa hàng 0 đồng mang đến phần thức ăn. Quệt vội mồ hôi, cô tâm sự, ngày nào cũng đẩy xe ve chai đi khắp nơi, kiếm từng chút tiền ít ỏi.

“Cứ đi ngang là được các em, các cháu đưa cho đồ ăn, rồi mời vào Cửa hàng 0 đồng, thiếu thứ gì thì lấy thứ đó. Các bạn trẻ ở đây rất dễ thương nên khi tôi nhận, luôn có cảm giác thoải mái. Những phần ăn hay đồ đạc được nhận đã giúp tôi tiết kiệm phần nào chi phí sinh hoạt ở thành phố”, cô Loan kể.

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (23 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) cho biết, chị tham gia Cửa hàng 0 đồng từ những ngày đầu và thấy được hiệu quả dự án. Ba mẹ chị cũng là nhà hảo tâm tích cực của Cửa hàng 0 đồng lẫn Bữa ăn 0 đồng.

“Cả nhà tự tay chuẩn bị hàng trăm phần ăn miễn phí để hỗ trợ dự án. Bà con ở đây đa số là người lao động nghèo, làm các nghề chạy xe ôm, buôn bán vé số, ve chai. Mọi người trong dự án rất nhiệt tình, bỏ công bỏ sức góp phần lo cho bà con mình. Công lớn nhất vẫn là anh Phạm Đức Hùng - người sáng lập chuỗi dự án 0 đồng này”, Ánh Hồng chia sẻ.

Từ mong muốn hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp ngay phường Thảo Điền, sau khi nhận công tác tại Hội Chữ thập đỏ phường Thảo Điền cuối năm 2021, anh Đức thực hiện chuỗi dự án của mình. Cửa hàng 0 đồng đầu tiên ra đời, được trưng dụng từ trụ sở tòa án cũ và sau thời gian ngắn kêu gọi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Nơi đây có nhiều thứ hoàn toàn miễn phí: quần áo, giày dép, sách vở, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng, thực phẩm thiết yếu… “Ai cần đến lấy - ai thừa đến cho”, cứ vậy mỗi ngày cửa hàng đón 20-30 lượt bà con nhận đồ dùng miễn phí.

Từ thành công của cửa hàng này, đầu năm 2023, đều đặn 2 lần/tháng, anh Hùng vận động tổ chức Bữa ăn 0 đồng cung cấp bữa ăn sáng miễn phí. Nhiều tình nguyện viên trẻ cũng tham gia, đến từ 4-5 giờ sáng để chuẩn bị 150-250 suất ăn.

“Từ năm 2022, chúng tôi còn phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thảo Điền tổ chức Chuyến xe 0 đồng hỗ trợ đưa người dân về quê vào dịp tết. Chúng tôi cũng thăm hỏi, tặng quà những hoàn cảnh cơ nhỡ, không có điều kiện về quê ăn tết. Mới đây, tiếp tục tổ chức Lớp Anh văn 0 đồng dạy giao tiếp Anh văn cơ bản cho các em từ 5-10 tuổi và lớp dành cho người lớn không giới hạn độ tuổi. Giờ có trên 60 học viên rồi”, anh Hùng cho biết.

San sẻ yêu thương

Anh Phạm Đức Hùng được nhiều người yêu mến, bởi họ thấy được tình cảm của anh khi hỗ trợ bà con, trẻ em trong hành trình vì cộng đồng của mình. Ngoài các dự án trong serie 0 đồng, hàng tháng hay các dịp đặc biệt như tết trung thu, tết thiếu nhi…, anh Hùng phối hợp các đơn vị, cá nhân tổ chức các chuyến thăm, tặng quà một số mái ấm. Anh và tình nguyện viên còn tổ chức hành trình gieo mầm yêu thương đến vùng sâu vùng xa. Như năm 2022, đoàn đi trao học bổng và tặng quà 2 xã khó khăn ở Bình Phước. Năm 2023, đoàn đến với Đắk Ha, Đắk Nông. Mỗi chuyến đi trao 20-30 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng/suất, cùng hàng trăm phần nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập…

Trong 2 năm qua, chuỗi dự án 0 đồng gặp không ít thử thách, khó khăn trong việc vận động, duy trì nguồn tài trợ lẫn nhân sự thực hiện, nhưng với tâm huyết của mình, anh Đức Hùng chưa bao giờ có ý định từ bỏ hay dừng lại. Anh thổ lộ, chỉ muốn làm sao để làm được nhiều điều ý nghĩa hơn nữa cho bà con. May mắn, bên cạnh anh luôn có các tình nguyện viên trẻ, tận tâm vì cộng đồng.

“Như Lớp Anh văn 0 đồng, giảng viên đều là những bạn trẻ có chuyên môn đến từ Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, các trung tâm Anh ngữ. Thậm chí có giảng viên về hưu vẫn đề nghị tham gia dạy cùng. Không chỉ hỗ trợ bà con nghèo ở thành phố, khi tới vùng sâu, vùng xa, nhìn thấy niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt của trẻ em ở đó, chúng mình cũng cảm thấy hạnh phúc. Chúng mình biết, con đường gieo duyên lành này thực sự ý nghĩa”, anh Hùng trải lòng.

Tin cùng chuyên mục