Những cảnh đời bất hạnh
Các bệnh nhân này không chỉ gian nan trong việc xoay xở tiền thuốc men, chi phí ăn ở, đi lại trong những lần điều trị (hóa trị hoặc xạ trị phải thực hiện 8 - 12 lần, mỗi lần cách nhau 19 ngày với chi phí 10 - 15 triệu đồng/lần), nay còn gặp thêm muôn vàn khó khăn khi không biết kiếm đâu ra tiền sửa chữa nhà cửa đã bị tan hoang trong bão. Đến bệnh viện thăm, xúc động khi hiểu nỗi khổ đau và tình cảnh gian nan của các bệnh nhân, đại diện Báo SGGP đã trao 48 suất quà (46 suất trị giá 1 triệu đồng/suất và 2 suất trị giá 2 triệu đồng/suất), gửi tới các bệnh nhân lời thăm hỏi ân cần: “Bình quân mỗi suất quà 1 triệu đồng, không là bao so với tốn kém, thiệt hại của từng bệnh nhân, nhưng đây là sự thể hiện tình cảm, sự quan tâm chân thành của các doanh nghiệp và bạn đọc Báo SGGP chia sẻ với các bệnh nhân nghèo khó”.
Các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều rất cảm động khi nhận số tiền trợ giúp. Chú Tưởng Xuân Thịnh (ngụ tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế) xúc động nói: “Những tấm lòng, những sẻ chia dù lớn dù nhỏ vào lúc này đều thực sự có ý nghĩa, tiếp sức cho tui và gia đình tui đang rất khó khăn sau hoạn nạn thiên tai, thêm động lực cho tui chiến đấu với bệnh tật, mong còn có ngày mạnh khỏe trở về với gia đình”. Nói đến đây chú Thịnh tủi thân khóc nghẹn, rồi mới kể tiếp: “Gió bão thổi bay cả mái nhà và quật đổ gãy tất cả mọi cây cối, hoa màu của gia đình tui rồi. Tui bị ung thư thực quản nên sau khi bão tan chỉ vừa 3 ngày, hai vợ chồng lại khăn gói đồ đạc, bỏ lại nhà cửa tan hoang cho 2 đứa con, bắt xe đò vào Bệnh viện Trung ương Huế, tiếp tục điều trị hóa chất lần thứ 5. Nhưng họa vô đơn chí, mọi lần trước, từ lúc làm thủ tục nhập viện rồi hóa trị chỉ mất 5 ngày đêm, lần này tui bị phù thận nên bác sĩ chỉ định phải điều trị nội trú thêm 12 ngày nữa mới có thể hóa trị. Sáng nay, hai vợ chồng đang lo lắng không biết lấy đâu ra tiền bạc để chi phí ăn uống cho những ngày điều trị tiếp theo, rồi tiền đâu để đi tàu xe về lại nhà khi trong túi chỉ còn vừa đúng 20.000 đồng. Chưa biết xoay xở ra sao thì bác sĩ và y tá điều trị đến thông báo, tui là 1 trong số 48 bệnh nhân nghèo được Báo SGGP trao tiền trợ giúp”.
Cảm kích tấm lòng của bạn đọc
Chị Trần Thị Xuân (ngụ tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đang chăm sóc chồng là bệnh nhân Nguyễn Đại Khụng (bị ung thư amidan), kể: “Căn nhà của gia đình tôi bị gió bão đánh sập. Gắng gượng thu dọn cây cối đổ gãy, dựng tạm túp lều để cho 2 đứa nhỏ ở nhà có chỗ tránh nắng mưa, tôi lại phải đưa chồng vào Huế điều trị. Ở địa phương cũng đã có một số đoàn đến cứu trợ, dù xã có lập danh sách nhưng do hai vợ chồng tôi bận đi bệnh viện nên vắng mặt, các đoàn cứu trợ không gửi lại quà cứu trợ vì e không đúng đối tượng. Đây là phần quà cứu trợ đầu tiên mà gia đình tôi nhận được kể từ sau bão số 10. Cho chúng tôi gửi lời cảm ơn những tấm lòng vàng của bạn đọc Báo SGGP đã sẻ chia, hỗ trợ chúng tôi với tình cảm thân thương”. Đó cùng là tâm sự của hầu hết các bệnh nhân nhận quà trợ giúp của Báo SGGP hôm ấy.
Bà Nguyễn Thị Diệu My, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế, cũng xúc động nói: “Báo SGGP là đơn vị đầu tiên đến trợ giúp các bệnh nhân đang điều trị tại đây kể từ sau bão số 10. Xin gửi lời chân thành cảm ơn Báo SGGP đã có hoạt động thiết thực cứu trợ đồng bào bị thiên tai và các bệnh nhân nghèo bệnh nan y, giúp những người kém may mắn này có thêm niềm tin, động lực vượt nghịch cảnh”.